Giật tít như vậy cho hấp dẫn thôi chứ thật ra bài này tôi nghĩ chỉ nên là “6 kỹ năng copywriter cần có để tồn tại với nghề”. Đây là những đúc kết của riêng tôi sau khi đã lăn lộn với nghề này được gần chục năm (và giờ vẫn đang).

1. Am hiểu và yêu thích ngôn ngữ

“Am hiểu và yêu thích ngôn ngữ” không phải là một kỹ năng nhưng tôi vẫn muốn đưa nó lên đầu bởi theo tôi, đây là điều kiện tiên quyết để bạn sống khoẻ với nghề copywriting.

Chỉ khi thật sự yêu thích bản chất của một công việc, bạn mới có đủ năng lượng để không ngừng tìm tòi và đương đầu với mọi thử thách của công việc đó.

Bạn có thể tự hỏi bản thân những câu hỏi dưới đây để kiểm tra mức độ yêu nghề của mình:

  • Mình có yêu chữ không?
  • Mình có thích tiếng Việt và thấy tiếng Việt thật tuyệt vời không?
  • Mình có thích chơi đùa và biến hoá với ngôn ngữ không?
  • Khi thấy những trò nói lái, nói ngược, chơi chữ,… mình có thấy sung sướng không?
  • Mình có thể ngồi trước máy tính và viết mỗi ngày mà không cảm thấy chán không?
  • Thấy có người viết sai chính tả, mình có thấy khó chịu không?
  • Mình có bật dậy giữa đêm để sửa một dấu phẩy đặt sai chỗ trong cái status mình mới post trên Facebook không? (À mà tình huống này hơi phi lý, vì ngay từ đầu việc này đã không thể xảy ra)
  • Bị dí deadline mà chưa có ý tưởng gì thì mình có viết được không?
  • Mình có sẵn sàng ngồi đọc 1000 trang tài liệu chỉ để viết được một câu slogan 5 tiếng không?

Nếu bạn trả lời có cho những câu hỏi trên thì bạn đã hoàn thành “kỹ năng” đầu tiên này, và sẵn sàng để chinh phục những kỹ năng quan trọng tiếp theo.

2. Kỹ năng viết theo những định dạng khác nhau

Ngày còn đi học, chúng ta chỉ quen thuộc với việc viết văn xuôi thông qua những bài nghị luận hay phân tích văn học. Khi làm copywriter, bạn cần có kỹ năng viết theo nhiều định dạng khác nhau, cụ thể như:

  • Tờ rơi, tờ bướm, áp phích quảng cáo
  • Hướng dẫn sử dụng cho bộ nhận diện thương hiệu
  • Ấn phẩm giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, đặc biệt là các công ty bất động sản hoặc các doanh nghiệp B2B
  • Video quảng cáo trên TV có độ dài từ 6-60s
  • Kịch bản phim quảng cáo trên mạng xã hội, đa phần có phong cách hài hước hoặc sướt mướt.
  • Radio quảng cáo mà khi đi ô tô bạn hay được nghe, hay khi bạn sử dụng Spotify (bản không trả tiền).
  • Bài post facebook, bài seeding trong các hội nhóm
  • Bài PR
  • Bài viết trên blog
  • Thư điện tử newsletter
  • Viết hướng dẫn trò chơi cho một gameshow
  • Thiệp tri ân khách hàng
  • Giấy mời tới sự kiện
  • Viết slogan, tagline, đặt tên cho sản phẩm mới

Và rất nhiều định dạng khác.

Tóm lại là bạn sẽ phải viết tất cả những sản phẩm mà doanh nghiệp cần cho việc quảng bá sản phẩm dịch vụ và chăm sóc các bên đối tác của họ.

3. Kỹ năng viết theo đặt hàng

Có nhiều bạn viết blog cá nhân rất tốt, nhưng khi phải viết bài cho một thương hiệu thì lại rất tệ.

Lý do là bạn không biết đặt mình vào vị trí của thương hiệu (người nói) và khách hàng tiềm năng (người nghe) để viết được các sản phẩm giúp hai đối tượng này giao tiếp với nhau.

Làm copywriter, chúng ta nên cất cái tôi đi. Hãy biến thành con tắc kè hoa để “viết gì cũng được”.

4. Kỹ năng tìm kiếm, đọc, hiểu, và tổng hợp thông tin

Kiến thức của một người là có hạn. Sẽ có lúc bạn phải viết về những chủ đề mà bạn chẳng hiểu gì về nó. Lúc này, kỹ năng copywriter cần có chính là vận dụng kỹ năng tìm kiếm, phân tích và tổng hợp thông tin:

  • Bạn cần biết sử dụng đúng từ khoá (keyword) để tìm kiếm đúng thông tin
  • Bạn phải đọc nhiều, đọc nhanh; và đọc có chọn lọc, đọc kỹ để xâu chuỗi và nắm bắt được vấn đề.
  • Bạn phải vận dụng tư duy phê phán để đọc một biết mười, từ đó thật sự thấu hiểu vấn đề mà mình đang tìm hiểu.

Để kỹ năng này của bạn tốt hơn thì tốt nhất là bạn nên thành thạo một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt, cụ thể là tiếng Anh. Tuy nhiên, tôi không tách ngoại ngữ ra thành một kỹ năng riêng bởi đây có lẽ là một kỹ năng cần thiết cho bất kỳ ngành nghề nào. Khi có ngoại ngữ, bể thông tin của bạn sẽ rộng hơn, và bạn sẽ tìm kiếm và học hỏi được nhiều thông tin hữu ích hơn.

5. Có kiến thức về quảng cáo và marketing

Copywriter khác writer ở chỗ copywriter viết để bán một sản phẩm/dịch vụ, còn writer (nhà văn) viết để bán chính tác phẩm mà họ đang chấp bút.

Hiểu biết về marketing và quảng cáo chắc chắn là một kỹ năng copywriter cần có để tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp, bởi nó làm bạn khác biệt và có giá trị hơn những người khác.

Một vài cuốn sách cơ bản và dễ đọc nhất giúp bạn nâng cao kỹ năng này bao gồm:

  • Nguyên lý Marketing. Đây là sách giáo khoa nhập môn Marketing. Nếu bạn có thời gian và đủ kiên nhẫn, tôi nghĩ bạn nên bắt đầu với cuốn này vì nó sẽ cung cấp cho bạn kiến thức nền tảng, từ đó làm bàn đạp để bạn tiếp thu tốt hơn những kiến thức marketing khác.
  • Con Bò Tía (Purple Cow: Transform Your Business by Being Remarkable)
  • 22 Quy Luật Bất Biến Trong Marketing (The 22 Immutable Laws Of Marketing)

Bên cạnh các kiến thức tổng hợp về marketing và quảng cáo tổng hợp, bạn cũng nên tìm hiểu những chủ đề liên quan như digital marketing, mobile marketing, SEO… để nâng cao tay nghề và mở rộng phạm vi hoạt động.

6. Có kiến thức về hành vi và tâm lý mua hàng

Hành vi và tâm lý người mua hàng mà một mảng kiến thức ngách mà tôi nghĩ khá quan trọng khi bạn muốn trở thành copywriter.

Như tôi nói ở ý 5, copywriter viết để bán sản phẩm/dịch vụ. Qua câu chữ, chúng ta phải thuyết phục được người mua hàng tiềm năng xuống tiền. Để làm được việc này thì bạn phải hiểu được tập khách hàng của mình cần gì, muốn gì, bị thu hút bởi cái gì. Khi nắm được tâm lý của họ, bạn sẽ biết được mình phải viết gì và viết ra sao.

Về kỹ năng này, bạn có thể đọc sách của Dan Ariely – Giáo sư Tâm lý và Kinh tế học Hành vi tại Đại học Duke (Hoa Kỳ). Sách của ông thường được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các khoá học về marketing và hành vi tiêu dùng. Một số tựa sách đã xuất bản tại Việt Nam gồm có:

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có thêm một góc nhìn nữa về công việc của một copywriter.

Có thể coi 6 kỹ năng trên là điều kiện cần, còn để thành công, tôi nghĩ bạn sẽ cần những điều kiện đủ mà chính tôi cũng không biết là gì; bởi nó tuỳ thuộc hoàn cảnh, con người và chút yếu tố may mắn.

Đọc thêm: