Gần đây mình có đọc hai cuốn sách về hai cường quốc của thế giới. Một là “Vì sao con tôi không thích đến trường?” của tác giả Richard David Precht, viết về sự lạc hậu và bảo thủ của nền giáo dục Đức, và hai là cuốn mình sẽ nói tới trong bài viết này: “Hồi sinh sự thần kỳ Nhật Bản” của Ryoichi Mikitani và Hiroshi Mikitani.
Qua hai cuốn sách, mình càng nhận ra là nước nào cũng có vấn đề của riêng nó, kể cả những nước mà người ngoài nghĩ là thiên đường. Đối với Nhật Bản thì vấn đề rõ nhất là không cởi mở với toàn cầu hoá. Một số biểu hiện của vấn đề này gồm có:
- Không nhiều người Nhật học tiếng Anh, tiếng Anh thậm chí không phải là môn bắt buộc ở Nhật.
- Nhật có nhiều chế độ bảo hộ cho các công ty trong nước. Các công ty này cũng luôn có một chuẩn riêng, chuẩn này khác chuẩn thế giới, chính vì thế các công ty Nhật bị lạc lõng với thế giới. Việc này sẽ không xảy ra nếu các công ty Nhật cố gắng biến chuẩn của họ thành chuẩn thế giới nhưng có vẻ việc này chưa bao giờ xảy ra.
- Người Nhật không hứng thú với việc đi du học.
- Nhật có rất nhiều rào cản cho người nước ngoài tới định cư.
Và rất nhiều vấn đề khác liên quan kinh tế, xã hội và giáo dục. Ví dụ:
- Cần xây dựng thương hiệu Nhật Bản “Made in Japan” một cách chiến lược, tập trung và hiệu quả hơn.
- Nên biến Nhật Bản thành một quốc gia cởi mở với các công ty nước ngoài, ví dụ khi một công ty muốn đặt trụ sở của mình ở Châu Á thì họ sẽ chọn Nhật Bản chứ không phải Singapore như hiện tại. (Bài học cho Việt Nam: chúng ta cũng cần thay đổi đất nước để các doanh nghiệp quốc tế muốn đặt trụ sở ở nước mình.)
- Giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng nên theo hướng khai phóng.
“Hồi sinh sự thần kỳ Nhật Bản” được viết theo dạng hội thoại giữa hai cha con. Nếu là dạng podcast phỏng vấn thật thì có lẽ sẽ hay hơn rất nhiều.
Cảm thấy khi viết sách theo dạng hội thoại thế này thì các quan điểm của người đối thoại phải trái ngược thì sẽ hay và dễ theo dõi hơn. Tuy nhiên hai cha con trong bài thì đa phần có cùng quan điểm nên cuộc nói chuyện không hấp dẫn lắm, và các vấn đề cũng như cách giải quyết đều không được đẩy lên cao trào.
Dù sao thì cũng là một quyển sách đáng đọc vì nó giúp mình biết thêm một vài mặt tối của Nhật Bản.
Chấm điểm theo thang điểm review của mình: 2.5/5
Leave a Reply