Nuôi dạy con kiểu cá heo của tác giả Shimi Kang có khá nhiều kiến thức hay về việc nuôi dạy con, làm mình phải suy nghĩ lại về việc mình sẽ nuôi con thế nào trong tương lai.

Mặc dù mình thích những kiến thức và ví dụ trong sách nhưng mình không thích cách tác giả so sánh hai phương pháp nuôi dạy con và gọi tên chúng là phương pháp hổ và phương pháp cá heo. Mình hiểu là tác giả muốn sử dụng một hình ảnh động vật để đối với mẹ hổ – vốn là một cụm rất phổ biến để chỉ các ông bố bà mẹ chăm lo cho con quá mức mà để con mất đi sự tự do, tuy nhiên mình nghĩ tác giả chẳng cần phải viện đến con cá heo thì cũng sẽ có một cuốn sách hay.

Tự dưng dính vào cá heo thấy cuốn sách cứ bị hạ cấp đi.

Trở lại với nội dung “Nuôi dạy con kiểu cá heo”, điều mình ấn tượng nhất là việc tác giả nói rằng trẻ em cần có thời gian rảnh rỗi để vui chơi một cách không định hướng, chính những lúc như thế sẽ làm các em sáng tạo hơn. Ở đây là vui chơi không định hướng tức là ngồi không không làm gì chứ không phải vui chơi theo kiểu đi học lớp nọ lớp kia, hay là chơi máy tính bảng. Ý tác giả muốn nói ở đây là trẻ em cần có những khoảng thời gian thật sự không làm gì.

Bản thân mình chưa bao giờ nghĩ tới điều này, và bản thân mình cũng chưa bao giờ trân trọng những khoảng thời gian thật sự rảnh rỗi của bản thân. Kể cả những lúc không làm gì mình cũng cố gắng để tận dụng khoảng thời gian đó để làm những việc hữu ích, kiểu như đọc, sách, truyện hay lau dọn nhà cửa gì đó. Có lẽ tại bây giờ có quá nhiều thứ làm mình phân tán tư tưởng nên chẳng bao giờ đầu óc có thể thật sự thư giãn được. Chẳng bao giờ có chuyện nằm lì trên giường một ngày chỉ để ngắm mây và nghĩ vẩn vơ.

Đây cũng là cái hay thứ hai của cuốn sách. Mặc dù là sách về nuôi dạy con nhưng mình lại học được rất nhiều thứ về cuộc sống của mình, đặc biệt là về việc có một cuộc sống cân bằng.

Chấm điểm theo thang điểm review của mình: 3/5.

Đăng lần đầu ngày 14.14.2020