Giả dụ thế này. Bạn chưa yêu bao giờ và tưởng tượng ra tình yêu đầu tiên của mình nó thế nào, người ấy ra sao, hai người đi chơi đâu, làm gì. Rồi sau đó mọi chuyện diễn ra đúng như vậy. Chuyện này cũng chẳng có gì lạ, việc sống trong giấc mơ mà mình từng tưởng tượng ra đã có rất nhiều người làm được.
Rồi sau khi trải qua giấc mơ có thật đó, bạn ngồi ghi lại cảm xúc của mình. Bạn vui thế nào, buồn thế nào, bạn cảm nhận ra sao về những điều tuyệt vời hay khủng khiếp vừa xảy ra. Và bạn hí hửng sung sướng vì mình đã có một trải nghiệm mà không phải ai cũng có.
Sau đó bạn đọc lại những gì mình đã viết ra và thấy hoảng hốt. Vì sao ư? Vì hình như cái cảm xúc này mình đã tưởng tượng ra từ lâu rồi, mình đã muốn viết ra từ lâu rồi. Chỉ là chưa dám viết ra vì sợ có đứa gièm pha: Ôi dào, nó đã làm thế đâu mà viết như thật vậy, nhảm! Thế nên bạn phải cất giấu cái cảm xúc tưởng tượng đó và tìm cơ hội để trải nghiệm. Cho có thôi, để có cái mà khoe, để cho người ta biết là bạn thực-sự-làm và thực-sự-cảm chứ không phải bạn ngồi yên một chỗ rồi vẽ gà vẽ lợn.
Vậy suy cho cùng cái trải nghiệm của bạn có được gọi là trải nghiệm không khi mà trải nghiệm đó thật sự đã diễn ra từ trước khi bạn trải nghiệm?
Hà Nội, ngày 9/5/2015.
Leave a Reply