Mình nghĩ mọi người cần phải phân biệt giữa niềm tin và chân lý.
Nếu là niềm tin thì mọi người có quyền tự do chọn lựa. Việc chấp nhận và thông cảm cho sự khác biệt về niềm tin là cần thiết. Khi sinh ra và lớn lên trong những môi trường khác nhau, người ta có quyền được có những niềm tin khác nhau.
Nhưng có những việc là chân lý. Là luôn đúng và không thể có cách nghĩ nào khác. Những việc như thế thì không thể nhập nhèm đúng/sai, và không thể thông cảm cho các lựa chọn không đúng.
Mọi người thường lẫn lộn hai khái niệm này theo hai cách:
1. Là niềm tin nhưng biến thành chân lý: Những người quá tự cao tự đại sẽ mắc lỗi này vì họ luôn nghĩ mình đúng. Họ coi mọi điều họ nói ra là chân lý. Khi ai đó có ý kiến trái ngược với họ, thì họ sẽ nghĩ là người kia sai. Trong khi nhiều lúc chỉ đơn giản là người kia có niềm tin khác họ.
Ví dụ như chuyện thịt chó. Một vài bạn Tây sang Việt Nam, thấy người Việt ăn thịt chó thì bảo: “Không được, chó là bạn, không được ăn thịt bạn.” Xong các bạn ấy bảo người Việt làm thế là sai. Vì các bạn ấy tự cao tự đại nên các bạn ấy nghĩ niềm tin của các bạn ấy là chân lý.
Ơ như mà từ trước tới nay người Việt coi chó là lợn mà. Lợn ăn được thì chó mình cũng ăn được chứ sao. Khác gì.
Như vậy chuyện ăn thịt chó lẽ ra là một “niềm tin” thì lại bị một vài bạn coi đó là “chân lý”
2. Là chân lý nhưng coi là niềm tin: Những người ba phải và suy nghĩ cảm tính sẽ mắc lỗi này vì họ không phân biệt được đúng/sai, và không tự nhìn ra được đâu là chân lý. Ví dụ người A nói đúng, người B nói sai. Vậy, người A là chân lý. Tuy nhiên, người ba phải không có khả năng suy nghĩ và phân tích cái đúng/sai của người A và người B. Chính vì thế, họ sẽ đưa ra kết luận là cả người A và người B đều đúng và cho rằng đây chỉ là vấn đề về niềm tin.
Ví dụ thế này, thuyết tiến hoá theo mình là chân lý nhưng nhiều người lại bảo: “Không phải, đó chỉ là một trong những cách để lý giải sự tồn tại của loài người thôi. Ví dụ ngoài thuyết tiến hoá thì còn có thuyết con người là do chúa sinh ra này.” Thế là nhiều người đã biến “chân lý” tiến hoá thành “niềm tin” tiến hoá.
Bản thân mình khi phân biệt được giữa “niềm tin” và “chân lý” thì đã tự đặt ra một vài nguyên tắc trong việc tranh cãi:
1. Nếu là niềm tin thì không tranh cãi, vì nó chẳng có đúng/sai. Mình sẽ cố gắng hiểu vì sao người ta lại nghĩ như vậy là thông cảm với cách nghĩ của họ.
2. Nếu là chân lý thì có hai trường hợp:
- Đối với những người mình tôn trọng và mình thấy là có khả năng tranh cãi: Mình sẽ cố gắng dành thời gian để nói chuyện với họ. Vì rất có thể, trong nhiều trường hợp, mình là người sai. Cái chân lý của mình có thể sai hoặc, cái chân lý của mình thật ra chỉ là một niềm tin.
- Đối với những người mình không tôn trọng và theo mình là không có khả năng tranh cãi: Mình sẽ nói với họ là họ sai rồi và mình không nói chuyện với họ nữa đâu ha ha ha.
Ngày 8/3/2018.
Leave a Reply