Đông Dương ngày ấy (1898-1908)” là cuốn sách về trải nghiệm của tác giả Claude Bourrin trong thời gian làm công chức tại tại Việt Nam vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Cuốn sách đã giúp tôi có thêm chút kiến thức về lịch sử Việt Nam những năm bị Pháp đô hộ.

1. Góc nhìn của người Pháp về dân An Nam

Sách được xuất bản với mục tiêu ban đầu là để dành cho người Pháp, đặc biệt là những người có ý định sang thuộc địa xây dựng sự nghiệp, không phải dành cho dân An Nam. Chính vì thế, góc nhìn của tác giả trong cuốn sách là góc nhìn bề trên, bằng con mắt của một dân tộc thượng đẳng khi nhận xét về một dân tộc lạc hậu và kém phát triển.

“Đứng trên boong tàu nhìn xuống, ta thấy đám dân Sài Gòn không còn bộ mặt đáng sợ ngày xưa: vàng của bệnh gan, xanh rớt vì ỉa chảy mà có người gọi một cách hoa mỹ là bệnh Nam Kỳ, bềnh bệch của những người hút thuốc phiện. Những người lần đầu tiên tới Sài Gòn thường phát chán khi thấy những bộ mặt như vậy và hạnh phúc thay cho những ai được ra Bắc Kỳ! Ở ngoài đó, họ gặp những khuôn mặt bụ bẫm, những cặp mắt linh lợi, những cặp má hồng đào – sản phẩm tươi tốt của mùa đông Bắc Kỳ.”

Ấn tượng của tác giả khi nói về sự khác biệt giữa Nam Kỳ và Bắc Kỳ

Những người Pháp bị trí tò mò về tập tục châu Á thôi thúc thường đi thăm các khu phố Tầu. Ở đó, người ta có thể xem những cửa hàng đẹp, những ngôi chùa giàu có, đôi khi có những đoàn hát lộng lẫy từ Quảng Đông sang. Tại các khu dân cư An Nam, chẳng có gì ngoài chấy rận và sự bẩn thỉu; sự cao nhã nhất chỉ thấy trong các rạp dân dã, nơi mấy ngài thông ngôn ngồi thư giãn giữa các loại xương vương vãi dưới đất.

Trong con mắt người Pháp, Trung Quốc vẫn là đại diện của văn hoá châu Á, còn Việt Nam lúc bấy giờ không có gì đặc sắc.

Thực tế, người An Nam có thể mặc, ăn uống, cắt tóc theo kiểu châu Âu, họ có thể cải thiện tiện nghi trong nhà, có những bộ bàn ghế kiểu Henri II hay kiểu Đế chế, đi lại trên những chiếc xe do những bậc thầy của chúng ta đóng, đi du lịch trên tàu hoả và tàu thuỷ của chúng ta, đọc sách báo của chúng ta, chơi các môn thể thao của chúng ta, ra vào các rạp hát của chúng ta, chơi các bản nhạc của chúng ta, thích các vũ điệu của chúng ta, hỏi ý kiến các kỹ thuật viên của chúng ta và thích nghi với thuốc của chúng ta; tóm lại người An Nam có thể tự Pháp hoá từ đầu tới chân, từ trong ra ngoài mà không làm bực mình “người chinh phục”. Việc người An Nam tự làm cho giống chúng ta cho thấy họ thừa nhận sự tiến bộ hơn của chúng ta. Điều đó làm chúng ta tự hào.

Sự tự hào của tác giả khi nhắc tới việc Pháp đã khai hoá Việt Nam như thế nào.

Có một sự kiện được tác giả nhắc tới trong “Đông Dương ngày ấy” mà tôi thấy khá thú vị, nó không chỉ khắc hoạ cuộc sống cùng khổ của dân An Nam ngày đó mà còn thể hiện được bản tính khôn lỏi mà chúng ta vẫn đang có ngày nay. Đó là vào những năm 1902 – 1904, khi bệnh dịch hạch hoành hành và chính quyền Pháp phải đưa ra những biện pháp diệt chuột trong đó có treo thưởng bằng tiền mặt cho số lượng chuột mà dân An Nam giết được.

Nghị định 23-4-1902 […] quyết định thưởng bốn xu cho mỗi con chuột bị giết hoặc bị bắt. Vài tuần sau, tiền thưởng hạ xuống còn một xu vì dân An Nam săn lùng chuột tận những vùng xa dần thủ đô làm cho chi phí diệt chuột trở nên đáng kể. Nếu cứ giữ tiền thưởng ở mức bốn xu, có lẽ họ sẽ sang tận Ấn Độ lùng hàng lô hàng lốc chuột dịch hạch về. Ngay mức thưởng một xu cũng đã làm cho săn chuột trở thành một thương vụ có giá, vì thế những người được bảo hộ khôn ngoan đã thẳng tay nuôi chuột trong thành phố để tiết kiệm chi phí vận chuyển. […] Từ ngày 10-7, chính quyền hạ tiền thưởng xuống một xu năm con, một biện pháp cho phép kết thúc một ngành công nghiệp cực kỳ nguy hiểm vì chính sách tưởng là tiêu diệt chuột, thực tế, lại tạo thuận lợi cho sự phát triển chúng.

Tuy nhiên, năm 1903, dịch hạch lại xuất hiện và bột phát vào cuối mùa khô. Phải có những biện pháp diệt chuột. Ngày 3-4, người ta keo kiệt, chỉ thưởng một xu cho năm con chuột bắt được. Những người nuôi-bắt chuột làm ngơ. Mười lăm ngày sau, tiền thưởng phải tăng lên một xu cho hai con, sau đó là một xu một con vào ngày 1-5. Người ta tin rằng công nghiệp diệt chuột không được công chúng quan tâm nữa, bằng chứng là tiền thưởng tăng dần mà dân chúng vẫn làm ngơ: tiền thưởng ngày 1-12 là hai xu một con, ngày 2-4-1904 là ba xu một con. Chỉ tới ngày 22-4-1904, khi tiền thưởng là bốn xu một con thì chuột dự trữ, chuột nuôi cấp tốc từ các nơi đổ về sở cảnh sát. Người ta phải vội vàng đề ra các hình phạt đối với những người vận chuyển chuột từ những vùng không được thưởng về.

Tôi đã phải phá lên cười với đoạn mô tả trên. Quả thực rất kỳ thú và hài hước. Tôi có thể tưởng tượng sự việc sẽ diễn ra y hệt như thế nếu ngày nay dịch hạch trở lại ở Hà Nội.

2. Số liệu dân số đáng chú ý về “Đông Dương ngày ấy”

Một điều khác khiến tôi ấn tượng về cuốn sách này chính là số liệu được Claude Bourrin nhắc tới về số lượng dân số và tỉ lệ phân bổ sắc dân ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.

Đầu năm 1908, ở Hà Nội có 2.300 người châu Âu, 23.000 người Tầu và 56.000 người An Nam. Các con số tương ứng của Hải Phòng là: 1.158, 6.940 và 12.560.

Ở Sài Gòn, nơi nước Pháp đặt chân tới hơn 50 năm trước, vào năm 1908 có 3.900 người châu Âu và chỉ có 31.500 người An Nam.

Ngạc nhiên nhất là số lượng khủng khiếp của người Tầu ở Việt Nam vào thời kỳ đó. Ở Hà Nội và Hải Phòng, số lượng người Trung Quốc bằng một nửa người Việt Nam lúc bấy giờ. Có lẽ đó là lý do tại sao tác giả có sự so sánh giữa các khu phố Tầu và khu phố Việt ở đoạn trích phía trên. Với số lượng dân số áp đảo như vậy, chắc chắn Trung Hoa có ảnh hưởng rất lớn tới xã hội của ta. Tôi hy vọng có thể tìm đọc thêm về xã hội Việt Nam dưới sự tác động của người Tầu vào thời kỳ này.

3. Đời sống của người Pháp ở Việt Nam

Những đoạn miêu tả về Bắc Kỳ thật ra chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn so với những đoạn kể về cuộc sống của người Pháp ở Đông Dương. Qua cuốn sách, bạn có thể thấy ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ được chính phủ phân công, những người Pháp cũng đã thiết lập và duy trì lối sống thường nhật của họ thông qua những hoạt động như:

  • Đi xem hoà nhạc và kịch nói. Vì tác giả là người có đam mê với sân khấu nên hoạt động này được nhắc tới rất nhiều trong cuốn sách.
  • Khiêu vũ và tham gia các buổi hội vũ .
  • Tham gia và cổ động cho các hoạt động thể thao như đua ngựa và đua xe đạp.
  • Tụ tập rượu chè và đàn đúm ở các quán rượu và quán cafe.

Bên cạnh đó, người Pháp cũng phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt ở Việt Nam như khí hậu nóng ẩm và bệnh nhiệt đới như sốt xuất huyết. Họ cũng rất sợ phải đi công tác ở các tỉnh biên giới do điều kiệu sống tàn tạ hơn rất nhiều. “Hà Nội! Ôi vui sướng biết bao được trở lại đó sau một năm phải lưu đày ở biên giới. Hà Nội! Nơi đây có cuộc sống náo nhiệt về đâm tràn ngập ánh đèn của các hiệu cà phê và các cửa hàng, phố xá tráng lệ đầy nghẹt người.”

Không biết trong sự náo nhiệt này thì người An Nam đóng góp được bao nhiêu, hay chủ yếu chỉ là người Tầu và châu Âu.

4. Kết luận về cuốn sách “Đông Dương ngày ấy”

Nếu bạn là người quan tâm đến lịch sử Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc thì “Đông Dương ngày ấy” là một cuốn sách tham khảo khá thú vị. Tuy nhiên, hãy đọc sách với một tâm thế mở để tiếp nhận thông tin một cách khách quan, tránh để bị ảnh hưởng bởi những định kiến sai lệch của người Pháp về Việt Nam.

Chấm điểm theo thang điểm review của tôi: 2.5/5