Tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” là một tác phẩm của Nhất Linh, được viết từ năm 1936 nhưng tính thời sự vẫn còn nguyên. Tôi chẳng có gì không thích về cuốn sách nên sẽ chỉ viết ra đây mấy ý mình tôi thích về nó.

1. Tiếng Việt hay

Một trong những điều thôi thúc tôi đọc sách của các tác giả Việt Nam là vì tôi sẽ được đọc tiếng Việt “thật” chứ không phải thứ tiếng Việt “dịch” rất phổ biến ngày nay. Và tiếng Việt trong “Đoạn tuyệt” khiến thôi khá thích thú. Ví dụ mấy cái như này:

Cách xưng hô trong truyện

Cách xưng hô trong truyện so với ngày nay sẽ khá khách sáo và cảnh vẻ một chút. Vợ sẽ gọi chồng là “cậu”. Chồng sẽ gọi vợ là “mợ”. Con sẽ gọi mẹ là “me”. Trích một đoạn hai vợ chồng cãi nhau trước khi đi ngủ:

– Sao bảo mợ tắt đèn, mợ lại không tắt đèn?

– Ô hay! Cậu cứ đi ngủ đi, tôi cần đèn để xem sách.

– Mợ để đèn tôi không ngủ được.

– Cậu xoay mặt vào tường mà ngủ.

Trong các mối quan hệ khác thì cũng sẽ thấy có cách nói chuyện kiểu tôi-cô, cô-chị… Xưng hô như vậy tôi thấy các nhân vật dù ở vai vế khác nhau nhưng vẫn độc lập và không bị ảnh hưởng bởi bản chất của mối quan hệ.

Từ gốc nước ngoài được Việt hoá hoàn toàn

Nếu đọc các sách được viết hiện nay, chúng ta thường thấy các từ gốc nước ngoài được giữ ở nguyên bản của nó.

Ở “Đoạn tuyệt”, các từ gốc Pháp đều được Việt hoá, ví dụ như “sen đầm”, từ nguyên gốc là “gendarme” nghĩa là “người thuộc lực lượng vũ trang đặc biệt, chuyên giữ gìn an ninh trật tự ở các nước đế quốc, thuộc địa.”

Từ tiếng Việt cũ

Đọc truyện, tôi cũng thấy nhiều từ tiếng Việt cũ mà giờ người ta không còn dùng nhiều nữa, đa phần do văn hoá giờ đã khác. Nhưng từ như “sập”, “con sen” (đã được dùng lại nhưng mang một ý nghĩa khác), “tân thời”, “tây học”, “trạng sư”, “tịch ký”, “bà phán”, “ông phán”, “thị”…

Thật vui khi cảm thấy chỉ bằng từ ngữ và cách sử dụng chúng mà tôi cảm thấy được đưa về quá khứ và sống trong xã hội thời đó.

2. Xây dựng nhân vật hợp lý

Điểm thú vị tiếp theo của tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” là các nhân vật được xây dựng tính cách rất thực: từ cô Loan, cậu Dũng, cho tới cậu Thân, bà phán – mẹ cậu Thân và bà Hai – mẹ cô Loan. Tất cả đều có cá tính riêng và rất nhất thống, hợp lý trong suốt câu chuyện.

Cô Loan là nhân vật chính, cũng là một cô gái-mới, được giáo dục theo kiểu tây học, có suy nghĩ tân thời và căm ghét lề thói cũ. Tuy nhiên, một mình cô chẳng đủ để chống lại cả cái xã hội bảo thủ thời đó.

Cậu Dũng cũng là một cậu giai tân thời và có lòng yêu cô Loan. Nhưng cậu Dũng thì cứ sợ mình “mới” quá sẽ làm khổ cô Loan, nên chuyện tình duyên hai người cứ trắc trở.

Câu Thân, chồng cô Loan là một mama-boi chính hiệu. Mẹ bảo gì nghe nấy, mẹ là nhất, vợ chỉ là con hầu, là gái đẻ.

Bà phán, mẹ cậu Thân là một bà mẹ chồng “trong truyền thuyết”. Các đoạn mẹ chồng và gia đình chồng mỉa mai nàng dâu thấy rất điển hình kiểu Hà Nội.

Bà Hai, mẹ cô Loan, tuy rất yêu con nhưng cũng vì những suy nghĩ xưa cũ mà đẩy con vào con đường khổ sở.

Ngoài ra, một số nhân vật phụ khác cũng rất thú vị và bổ khuyết cho tính cách của các nhận vật chính, làm nên một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn.

Từ những ngôi nhà, góc phố, từ cách xưng hô, sinh hoạt cho đến các mối quan hệ; cả cuốn tiểu thuyết toát lên một vẻ xưa cũ, đậm chất Hà Nội. Đọc xong, tôi tự nhủ cần phải đọc nhiều sách của các tác giả Việt Nam ngày xưa hơn.

Chấm điểm theo thang điểm review của tôi: 4/5