Tôi có một vài người bạn thích viết. Một số người lựa chọn lập blog trên WordPress, một số khác thì sử dụng luôn Facebook để đăng những chia sẻ cá nhân, có người thì kết hợp cả hai. Ở bài viết này, tôi muốn so sánh hai nền tảng này trong vai trò là một trang xuất bản cá nhân, từ đó đưa ra những gợi ý về việc nên sử dụng chúng sao cho hiệu quả nhất.

1. Facebook mang tính xã hội và tức thì hơn, WordPress mang tính nghiêm túc và dài hơi hơn.

Facebook mang tính xã hội hơn vì ở đó bạn có liên kết với cộng đồng người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ khác. Khi đăng chia sẻ trên Facebook, chắc chắn sẽ có người trong cộng đồng tương tác với bài của bạn. Đặc biệt, nếu chia sẻ của bạn liên quan đến một sự kiện nóng hổi thì tương tác với bài viết sẽ càng cao bởi khán giả của bạn đều đang trong tâm trạng muốn thảo luận về sự việc đó. Đôi lúc, họ thậm chí còn không đọc những gì bạn viết mà sẽ bình luận ngay ý kiến của họ.

Facebook cũng mang tính xã hội hơn ở chỗ người đọc có thể dễ dàng chia sẻ bài viết của bạn bằng nút share/chia sẻ.

Không gian WordPress sẽ hợp hơn với các bài viết phân tích và tổng hợp sâu. Ví dụ khi một sự kiện hoặc một chuỗi sự kiện đã qua đi, bạn – là một tác giả – muốn xâu chuỗi lại những sự kiện đó và phân tích mối liên quan, sự giống, khác, của các sự kiện này; lúc đó viết một bài blog dài trên WordPress là thích hợp hơn cả.

Tuy nhiên, khi đăng lên WordPress, đôi lúc bạn sẽ không có lấy một khán giả bởi môi trường WordPress trầm lặng và ít người hơn. Những cá nhân sử dụng WordPress đa phần đều có xu hướng thích đọc/viết mà con số này trong xã hội thì không nhiều. Điều này không phải quá tệ, bởi thật ra bài viết của bạn sẽ tìm được đến đúng những người cần nó.

Cá nhân tôi cũng thích WordPress hơn vì đối với tôi đây là một chốn công cộng nhưng lại riêng tư, nơi bạn có thể thoải mái trang hoàng cho căn nhà câu chữ của mình mà không phải đối mặt với quá nhiều ý kiến từ quá nhiều người không thân quen.

WordPress giống như một căn nhà bạn đang sở hữu còn Facebook giống một ki-ốt bán hàng ở chợ.

2. WordPress cho phép bạn trình bày và phân loại bài viết tốt hơn.

Trên WordPress, bạn có thể viết những nội dung vài nghìn từ, viết truyện dài kỳ, có thể trình bày tựa đề lớn, tựa đề nhỏ, lại có thể thêm cả hình ảnh và video minh hoạ. Điều này khiến bài viết của bạn sinh động và hấp dẫn hơn nhiều so với việc chỉ có thể viết một đoạn chữ rất dài, kèm một hoặc nhiều hình ảnh theo dạng album trên Facebook.

Bạn cũng có thể sắp xếp những bài viết của mình thành những chủ đề (category) khác nhau và thêm tag liên quan. Ngoài ra, công cụ sắp xếp bài viết theo thời gian (archive) và chủ đề của WordPress cũng hữu ích khi người đọc muốn tìm kiếm các bài viết cũ.

Khả năng gắn liên kết nội và ngoại trang (internal và extenal link) rất thuận lợi trong việc điều hướng người đọc tới những bài viết hoặc website khác cùng chủ đề.

Việc này hoàn toàn không thể làm được trên Facebook. Nếu người đọc muốn tìm những bài viết cũ hơn thì cách duy nhất họ có thể làm là kéo chuột xuống tường của bạn để tìm lại, rất mất thời gian và mệt mỏi. Bạn cũng không thể phân chia bài viết của mình theo đề mục. Công cụ tìm kiếm của Facebook cũng không cho phép người đọc tìm kiếm nội dung trên duy nhất trang của bạn, mà chỉ cho phép tìm kiếm nội dung trên toàn bộ mạng lưới của họ.

Bạn cũng không gắn link vào từ khoá (anchor text) được mà chỉ có thể để đường link hiện lên ngay trên phần chia sẻ. Bản thân tôi thấy việc gắn link như vậy rất thiếu thẩm mỹ.

3. WordPress cho phép bạn sở hữu nội dung tốt hơn.

Khi sử dụng WordPress, tôi cảm thấy mình thực sự sở hữu những gì tôi viết ra. Tôi có thể tuỳ chỉnh nội dung, cập nhật bài viết khi có thông tin hoặc quan điểm mới, thay đổi thời gian đăng bài, liên kết bài viết tới những bài viết liên quan.

Về mặt giao diện, tôi cũng tự do hơn trong việc thiết kế một giao diện của riêng mình. Được lựa chọn màu sắc, phông chữ, được đặt bài viết nào trên trang chủ, được xoá những bài viết không còn thú vị.

Việc theo dõi số lượng người đọc và biết được họ đến từ đâu cũng là một việc cực kỳ thú vị mà bạn chỉ có thể làm trên WordPress. Nhờ Google Analytics, tôi còn biết được đâu là bài blog được mọi người đọc nhiều nhất, đâu là đường link hay được nhấn vào, người đọc của tôi là ai, đến từ đâu, và rất nhiều những số liệu thú vị khác.

Đối với Facebook, bạn chỉ có thể làm được một phần của những điều trên nếu bạn sử dụng Facebook fan page. Còn Facebook cá nhân thì hoàn toàn không thể.

WordPress giống như một bộ Lego mà bạn có thể tự sáng tạo những mô hình theo ý mình muốn, còn Facebook thì giống một bộ tranh ghép hình, nơi thành quả cuối cùng chỉ là một hình ảnh duy nhất được định sẵn từ đầu.

4. Nên kết hợp sử dụng Facebook và WordPress như thế nào để bài blog của bạn tiếp cận được nhiều người hơn?

Nếu phải đưa ra lựa chọn nên sử dụng Facebook hay WordPress trong việc xuất bản cá nhân thì câu trả lời của tôi chắc chắn là WordPress. Đó là lý do bạn đang đọc bài viết này trên blog WordPress của tôi.

Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng kết hợp cả Facebook và WordPress để giúp những bài blog bạn viết ra tiếp cận được nhiều người đọc hơn.

Hiện nay đa phần những người sử dụng WordPress thường chia sẻ bài viết của họ lên Facebook cá nhân. Tuy nhiên, thuật toán của Facebook không ưu ái những bài chia sẻ link như thế này mà ưu tiên hơn những bài đăng trực tiếp. Cũng chính vì thế mà bạn sẽ thấy những “nô lệ của sự chú ý” (tiếng Anh người ta gọi là “attention whore”) thường copy toàn bộ bài của người khác vào phần text của họ và thêm 1 dòng ở cuối “Nguồn bài viết: *tên tác giả*”, chứ không chia sẻ trực tiếp từ bài viết gốc.

Chưa kể khi người khác chia sẻ lại bài của bạn thì họ chỉ chia sẻ được phần liên kết, không chia sẻ được phần status bình luận đính kèm của bạn cho phần liên kết này.

Theo tôi cách tốt để kết hợp 2 nền tảng này là:

  • Viết bài trên WordPress. Sau đó chia sẻ lại lên Facebook bằng cách sao chép một phần hoặc toàn bộ bài viết gốc trên WordPress. Ở cuối bài trên Facebook thì đề thêm một dòng ghi chú “Nguồn: *link tới bài viết gốc trên WordPress của bạn*”.
  • Phát triển trang Facebook của bạn một cách độc lập để có nhiều người tương tác hơn. Phân loại nội dung nào nên sử dụng WordPress, nội dung nào nên sử dụng Facebook Ví dụ bạn có thể tận dụng tính xã hội và tức thì của Facebook để chia sẻ nhanh những suy nghĩ của mình và thu hút tương tác với người đọc. Bạn không nhất thiết phải đặt link tới WordPress trong các status đó. Tuy nhiên, bạn có thể đặt link ở đâu đó dễ nhìn trong phần About để những người năng tương tác với bạn có thể đọc được và ghé thăm trang WordPress của bạn.

Hiện nay, có một vài bạn không sử dụng Facebook cá nhân mà lập một Facebook fan page riêng để chia sẻ những bài viết trên WordPress. Theo tôi, việc này khá rườm rà, mất thời gian và không cần thiết.

Tôi cũng từng làm như vậy, với mong muốn tách biệt con người thật và con người viết lách của mình, bởi tôi không muốn người ta đánh giá bài viết của mình qua con người của mình và ngược lại, suy diễn về con người của mình qua những câu chữ của mình. Tuy nhiên, tôi đã nhận ra việc này cực kỳ vô ích nên đã nhập hai con người này lại với nhau.

Bạn có thể đọc thêm phần chia sẻ của tôi về việc vì sao tôi lại quy hết về một mối ở bài viết “Vì sao tôi viết, và vì sao tất cả chúng ta đều nên viết nhiều hơn?”

Sớm hay muộn, bạn cũng sẽ nhận ra là sử dụng Facebook cá nhân để chia sẻ bài viết từ WordPress thuận tiện và đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với việc lập ra một trang Facebook fan page, nhất là khi bạn không phải là KOL và chưa có một lượng người đọc đông đảo. Bạn chỉ nên lập fan page khi đã có một lượng người hâm mộ đáng kể, và ngay cả trong trường hợp này thì bạn vẫn nên chia sẻ bài blog của mình trên cả Facebook cá nhân và fan page để tiếp cận được nhiều độc giả hơn. nhiều fan. Còn không, hay cứ trung thành với trang Facebook cá nhân của bạn. Ngay cả các celeb có hàng triệu người theo dõi thì vẫn luôn có cả Facebook cá nhân và Facebook fanpage.

Chưa kể, mạng xã hội Facebook cũng ưu tiên các trang cá nhân hơn các fan page, vì thế nội dung bạn chia sẻ trên trang cá nhân chắc chắn sẽ tiếp cận được nhiều người hơn khi bạn chia sẻ lên fan page.