Đối với các bạn copywriter, việc tối ưu từ khoá cho bài viết (hay còn gọi là làm SEO cho bài viết) nghe có phần hơi kỹ thuật và mông lung. Nhiều bạn còn e ngại khi được yêu cầu phải viết bài “chuẩn seo”.
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các bạn 7 bước cực kỳ đơn giản để có một bài viết được tối ưu từ khoá.
Các bước này được thực hiện với giả định là bạn đã có một từ khoá cần tối ưu.
Bước 1: Tối ưu từ khoá ở URL
URL là một yếu tố cực kỳ quan trọng khi làm SEO cho bài viết vì URL là thứ không nên thay đổi khi đã đăng tải bài. Chính vì thế, bạn cần lựa chọn một URL có thể tồn tại lâu dài ngay cả khi nội dung bài được cập nhật.
Thay bằng việc để URL tự động là tên của bài viết, các bạn nên chọn một cụm ngắn gọn, mang tính tổng quát và có bao gồm từ khoá của bài.
Ví dụ: Tựa đề bài viết hiện tại của mình là “7 bước cơ bản để tối ưu từ khoá cho bài viết” nhưng URL của bài chỉ là: https://trang-ngo.com/toi-uu-tu-khoa-cho-bai-viet/.
Lý do của việc làm này là:
- URL có thể xuất hiện đầy đủ trên trang kết quả tìm kiếm: Trên trang kết quả tìm kiếm của Google, các URL quá dài sẽ bị cắt ngắn. Vì thế, một URL tốt sẽ đủ ngắn để có thể xuất hiện toàn bộ trang trang tìm kiếm. Chưa kể, URL ngắn gọn cũng giúp trang của bạn sạch sẽ và đáng tin cậy hơn.
- Việc cập nhật nội dung bài viết không ảnh hưởng đến URL: Rất có thể về sau bài viết của bạn sẽ thay đổi tựa đề một chút, và khi thay đổi tựa đề thì URL cũ vẫn khớp với bài viết mới. Ví dụ, thay bằng “7 bước cơ bản để tối ưu từ khoá cho bài viết” thì mình có thể sẽ đổi thành “10 bước tối ưu hoá cho bài viết copywriter nào cũng cần biết”, như vậy tuy tựa đề và nội dung bài của mình có thay đổi, nhưng URL https://trang-ngo.com/toi-uu-tu-khoa-cho-bai-viet/ vẫn có thể được sử dụng.
Bước 2: Tối ưu từ khoá ở tiêu đề bài viết
Tựa đề bài viết nhất thiết phải có từ khoá bạn cần tối ưu. Và từ khoá xuất hiện ở đầu tựa đề thì càng tốt.
Bước 3: Tối ưu từ khoá ở meta description (thẻ mô tả)
Meta description được dịch là thẻ mô tả, cụ thể hơn là phần tóm tắt nội dung bài viết sẽ xuất hiện trên kết quả tìm kiếm Google về trang của bạn. Phần này thường có độ dài tối đa khoảng 155 ký tự. Nếu bạn không tự viết phần này thì Google sẽ tự động chọn ra phần nội dung trong bài viết của bạn mà Google cho là khớp với từ khoá người dùng đang tìm kiếm.
Ở bên dưới là ví dụ 2 kết quả tìm kiếm trên Google, 1 kết quả có meta description được chủ động viết, đây cũng chính là bài viết trên blog của mình; và 1 kết quả là một bài viết cùng chủ đề mà mình chọn ngẫu nhiên vì mình thấy phần meta description của bài này đang được Google tự động lựa chọn.
Khi nhìn vào ví dụ trên, bạn có thể thấy rằng trang có meta description được chủ động viết cung cấp thông tin rõ ràng hơn về nội dung của bài viết và khiến kết quả tìm kiếm hữu ích hơn. Còn trang có meta description tự động thì chứa những câu văn có từ khoá bạn đang tìm kiếm, nhưng lại không giúp bạn hiểu tóm tắt nội dung của bài viết.
Thẻ mô tả cực kỳ quan trọng vì nó không những khiến bài viết của bạn “chuẩn seo” hơn mà đóng vai trò như lời kêu gọi mọi người hãy nhấn vào link của bạn. Chính vì thế, hãy tận dụng thẻ mô tả để viết một phần tóm tắt thật hấp dẫn cho bài blog của bạn.
Bước 4: Tối ưu từ khoá ở tiêu đề phụ và trong nội dung của bài
Ngoài việc từ khoá cần xuất hiện ở tiêu đề, thì trong bài viết, từ khoá bạn muốn tối ưu còn cần có mặt ở 3 vị trí sau:
- Trong đoạn văn đầu tiên của bài: Từ khoá của bạn nhất thiết phải xuất hiện trong đoạn văn đầu tiên của bài.
- Trong các tiêu đề phụ: Khi viết các tiêu đề phụ của bài, hãy cố gắng lồng ghép từ khoá một cách tự nhiên và hợp lý nhất. Lưu ý là không cần tất cả các tiêu đề đều có từ khoá vì Google coi đây là hành vi spam.
- Xuyên suốt nội dung bài viết: Từ khoá cũng cần xuất hiện rải rác trong toàn bộ bài viết. Theo HubSpot, mật độ từ khoá nên khoảng 1%-2%, tức là nếu bài viết của bạn dài 1000 từ thì từ khoá nên xuất hiện từ 10-20 lần.
Bước 5: Có liên kết tới các trang trên cùng website (internal link) và khác website (external link)
Trong bài viết, cần có các liên kết tới những trang liên quan trên cùng website của bạn. Việc này sẽ không chỉ giúp SEO cho trang hiện tại mà còn cho toàn bộ website của bạn. Google đánh giá cao việc này vì trên thực tế, hành động liên kết đến những thông tin liên quan diễn ra rất tự nhiên, và nhằm mục đích cung cấp thông tin đầy đủ và được kiểm chứng đến người đọc.
Liên kết tới những trang khác website (external link) không quan trọng như internal link, nhưng cũng cần thiết trong việc tối ưu từ khoá. Tuy nhiên, hãy lưu ý là tránh liên kết đến các trang đối thủ và tránh liên kết sử dụng những từ khoá mà bạn đang muốn tối ưu cho bài viết và cho toàn bộ trang của mình.
Bước 6: Tối ưu từ khoá cho hình ảnh của bài
Trước khi tải hình minh hoạ cho bài viết, các bạn hãy nhớ thay tên của hình ảnh và tên này nhất thiết phải bao gồm từ khoá của bài.
Bạn cũng cần thay alt tag (viết tắt của alternative tag, hay còn gọi là thẻ alt) thành cụm từ mô tả nội dung có liên quan đến bài viết. Đây là sự thay thế bằng chữ viết cho hình ảnh bạn đang sử dụng. Phần văn bản này sẽ hữu ích khi người dùng tìm kiếm bằng hình ảnh, hoặc khi đường truyền internet gặp vấn đề và hình ảnh không tải được thì phần chữ này sẽ xuất hiện thay thế.
Ngoài ra, hãy nhớ resize hình ảnh của bạn xuống mức đủ dùng hơn là để ảnh quá to và nặng.
Bước 7: Độ dài bài viết cần ít nhất 600 từ
Độ dài của một bài viết có ảnh hưởng đến thứ hạng của bài viết đó trên trang tìm kiếm hay không? – Câu hỏi này thật ra còn có nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đa phần thì bài viết dài sẽ tốt hơn bài viết ngắn.
Theo Rank Math, một công cụ hỗ trợ SEO cho bài viết thì độ dài lý tưởng nhất là trên 2500 từ. Nếu bạn không thể viết đến mức như vậy thì mỗi bài viết cũng nên có ít nhất 600 từ. Đây là con số tối thiểu mà Google cho là hợp lý đối với một bài viết cung cấp thông tin hữu ích.
Các công cụ giúp việc tối ưu từ khoá đơn giản hơn
Để SEO cho bài viết nhanh chóng và dễ dàng hơn, mình thường dùng 2 công cụ là Yoast hoặc Rank Math. Nếu các bạn dùng wordpress.org thì có thể cài 1 trong 2 plugin này cực kỳ nhanh chóng.
Công cụ này phân tích bài viết của bạn và đưa ra một checklist giúp chúng ta hoàn thiện tất cả các đầu mục SEO cơ bản nhất. Bản miễn phí của Yoast và Rank Math có đầy đủ các bước mình đề cập tới trong bài viết này và thật sự là quá đầy đủ cho những người mới tìm hiểu về cách tối ưu từ khoá cho bài viết.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có hình dung cơ bản về việc tối ưu từ khoá cho một bài blog. Trước khi dừng lại, mình muốn nói thêm rằng việc SEO cho bài viết chỉ phát huy hết tác dụng khi bạn đã có một bài viết với nội dung thực sự hữu ích. Chính vì vậy, trước khi nghĩ đến SEO, hãy nghĩ đến việc làm thế nào để viết được một bài blog thật hay đã nhé.
Leave a Reply