Việc sống trong bừa bộn sẽ giúp bạn sáng tạo hơn đã được nhắc tới trong nhiều bài báo. Tuy nhiên, người ta chỉ dừng lại ở việc miêu tả thí nghiệm và đưa ra kết quả là: Khi cho 2 nhóm người khác nhau vào 2 căn phòng riêng biệt, 1 gọn gàng, 1 bừa bộn rồi cho họ giải quyết 1 vấn đề. Nhóm trong phòng bừa bộn sẽ đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn.
Nhưng tại sao lại ra kết quả như vậy thì tôi chưa thấy bài báo nào nhắc tới.
Vậy nên tôi đã thử tự trả lời câu hỏi này.
Trước hết, tôi biết rằng sáng tạo chỉ là sự liên kết những ý tưởng cũ rồi biến chúng thành ý tưởng mới. Càng tiếp xúc với nhiều ý tưởng cũ, khả năng tạo ra những ý tưởng mới càng lớn. Và càng liên kết được những thứ tưởng chừng như không liên quan đến nhau, người ta càng nghĩ ra được những ý tưởng tuyệt vời.
Vậy một môi trường bừa bộn giúp cho bạn sáng tạo hơn như thế nào?
Hãy thử tưởng tượng tới một căn phòng ngăn nắp. Tôi sẽ thấy gì?
Sách được xếp trên giá sách, theo thể loại hoặc theo tên tác giả. Quần áo được gấp gọn gàng cất trong tủ. Bát đĩa được rửa sạch và cất gọn trong chạn, bát đằng bát, đĩa đằng đĩa. Bút được cắm vào ống bút. Và các thứ hầm bà lằng chả biết xếp vào đâu thì được nhét tất cả vào một cái hộp cho khuất mắt!
Trong một căn phòng bừa bộn thì sao?
Tất cả mọi thứ sẽ đảo lộn.
Ly nước để trên một cuốn sách (A! Vậy là sách có thể biến thành 1 cái bàn cafe).
Con mèo ngủ trên một chồng sách (A! Thế là sách có thể kê cao lên làm ghế ngồi).
Quần áo thì nào vắt trên cửa ra vào, vắt trên ghế, vắt trên thành giường, rồi thì vương vãi khắp nhà (Chà, vậy là quần áo có thể làm giẻ lau, rồi mình cần phải nghĩ ra một loại ghế đặc biệt có thêm công dụng treo quần áo, một loại sàn nhà đặc biệt có khả năng hút hết quần áo về một phía để đỡ vướng đường đi của mình…).
Vào toa-lét giải quyết nỗi buồn thì thấy sách báo ngổn ngang. (Ôi, chẳng may hết giấy cũng không sợ gì cả!)
Đấy, căn phòng bừa bộn giúp người ta ở chỗ đấy. Chỉ cần nhìn quanh là có thể nghĩ ra đủ loại liên kết, đủ ý tưởng nhảm nhí; là thấy đủ loại công dụng kỳ quặc của những thứ chẳng liên quan.
Nhưng đấy là khi người ta sáng tạo không mục đích, còn khi người ta có một vấn đề rõ ràng cần giải quyết thì sự bừa bộn sẽ giúp ích thế nào?
Cũng vậy thôi, cũng xuất phát từ sự liên kết.
Hãy lấy một ví dụ để làm rõ điều này. Vấn đề chúng ta cần giải quyết là “Làm sao để không phải mua vé số từ những người bán vé số nữa?”
Câu hỏi lơ lửng trong đầu, không biết giải quyết sao. Tôi nhìn sang bên phải thấy chồng quần áo bẩn từ mấy tuần nay chưa giặt mới nghĩ đến việc mở doanh nghiệp giặt quần áo, nhưng điểm đặc biệt của doanh nghiệp này là giặt bằng tay, tay của những người bán vé số.
Nhìn quần áo và theo đuổi suy nghĩ về cửa hàng giặt tay mãi, tôi quay đầu về bàn và thấy bát mì đang ăn dở từ hôm qua. Tôi chợt nghĩ lần sau có ai mời mua vé số thì mình sẽ không mua mà mời người ta ăn cùng mình. Phải bán khoảng 2 tờ vé số thì người ta mới có tiền ăn một bát hủ tíu.
Nhìn thấy cái quạt thổi bay giấy tờ trên bàn thì nghĩ giá mà các quán nhậu có cái quạt khổng lồ thổi bay mấy người bán vé số đó đi. Hoặc tiếng quạt to quá tôi sẽ giả vờ như không nghe thấy người bán hàng nói gì. Hoặc quạt thổi bay cả quần áo của họ, họ phải đi nhặt quần áo, lúc quay lại bán tiếp thì không thấy tôi đâu vì tôi cũng phải đi nhặt quần áo của mình.
Đại loại là như vậy. Ý tưởng nghĩ ra rất ngớ ngẩn, chả đâu vào đâu, chả khả thi gì cả nhưng việc đó sẽ giúp tôi khởi động suy nghĩ. Còn bao sự liên kết khác trong một ngôi nhà bừa bộn. Liên kết với 1 cái không ra thì mình liên kết với 2, 3, 4 cái.
Vậy là bừa bộn rất có lợi cho sáng tạo.
Vì bừa bộn cho tôi nhiều nguyên liệu để liên kết. Và càng có nhiều liên kết thì tôi càng ra nhiều ý tưởng, càng sáng tạo hơn.
Leave a Reply