_ Chết là một trạng thái tự nhiên với con người. Và mỗi người sẽ có một thái độ khác nhau về cái chết.
_ Chẳng ai thật sự biết người đã chết nghĩ gì trong khoảnh khắc người ta đứng ở lằn ranh sinh tử. Thư tuyệt mệnh, lời trăng trối, báo mộng, gọi hồn. Tất cả chỉ là phỏng đoán dựa trên niềm tin của người còn sống.
_ Tôi lớn lên trong một xã hội nơi người ta căm ghét hành động tự kết liễu đời mình. Những kẻ tự tử vì tình bị coi là điên rồ, ngu ngốc; những bạn trẻ treo cổ tự vẫn bị coi là yếu đuối, dại dột, bất hiếu; những phụ nữ ôm con nhảy lầu bị coi là súc vật, ác thú. Người ta lên án hành động tự chết một cách kịch liệt. Bởi chết là một trạng thái tự nhiên, chết cần phải tự nhiên mà đến. Chết không phải một lựa chọn.
_ Ngày đọc xong Rừng Na Uy, tôi hiểu ra vì sao người ta tự tử vì tình. Nếu một ai đó quá đắm đuối trong một cuộc tình, và cuộc tình đó là cả thế giới của họ, thì cũng dễ hiểu vì sao họ sẽ chọn cái chết khi cuộc tình đó tan vỡ. Khi sợi dây duy nhất kết nối họ với thế giới đứt, họ sẽ không còn muốn sống. Khi điều có ý nghĩa duy nhất của cuộc đời họ tan biến, lẽ dĩ nhiên họ không còn lý do để tồn tại.
_ Ngày mới sinh xong, tôi hiểu vì sao các bà mẹ lại có thể bế tắc đến chết. Tôi hiểu cảm giác mệt mỏi, thiếu ngủ, không ai có thể giúp đỡ mình thoát khỏi tình cảnh này. Hiểu được mong muốn cầm đứa con đang khóc lóc không ngừng trong tay và ném qua cửa sổ.
_ Nhưng cũng là tôi, sau những ngày bỡ ngỡ làm mẹ đó, giờ đây đã sợ chết. Tôi cầu xin thần chết đừng mang tôi đi quá sớm. Tôi muốn sống để nhìn con tôi khôn lớn. Và tôi hiểu vì sao có những bậc cha mẹ chưa thể nhắm mắt xuôi tay vì mong mỏi duy nhất của cuộc đời họ có lẽ chỉ là được nhìn thấy con mình trưởng thành, hạnh phúc. Và lần đầu tiên, lý do tôi muốn sống không còn là vì tôi còn trẻ tôi muốn được đi chơi, mà là vì tôi không muốn con tôi không có mẹ.
_ Chết có lẽ là trải nghiệm duy nhất chỉ xảy ra một lần trong cuộc đời mỗi người. Nhưng chẳng ai có thể chia sẻ trải nghiệm của mình với người khác. Chẳng ai có thể rút ra bài học, chia sẻ kinh nghiệm, chẳng ai cảm thấy hối hận vì mình đã chết, chẳng ai có thể chết lại một lần nữa để chết cho xứng đáng hơn. Cái chết không đến lần thứ hai. Chết là hết.
_ Có tồn tại hay không một thời điểm khi chúng ta sẵn sàng đối mặt với cái chết. Của chính mình. Của những người yêu thương. Người ta thường bảo cái chết đột ngột thì nhẹ nhàng cho người ra đi nhưng đớn đau cho kẻ ở lại. Còn cái chết được báo trước thì nhân từ với người ở lại nhưng tàn ác với kẻ ra đi. Sự thật là như thế nào tôi chưa thể cắt nghĩa.
_ Đám tang là nghi lễ cuối cùng để chúng ta tận mắt nhìn thấy thân thể người đã khuất hóa thành hư vô. Bàn tay ấy, khuôn mặt ấy mới hôm trước còn sờ sờ trước mặt chúng ta nhưng chỉ chút nữa thôi là tan thành cát bụi. Người chết sẽ chẳng bao giờ biết đám tang của mình được diễn ra như thế nào, vậy nên cứ để đám tang của mình cho những người còn sống quyết định. Hãy cho người sống một cơ hội cuối cùng để nói lời từ biệt, dẫu rằng những lời từ biệt đó đôi lúc đã là quá muộn và sẽ chẳng bao giờ đến được với người chết.
_ Chúng ta cần tưởng nhớ người đã chết và bàn thờ là nơi để làm việc đó. Một nơi gần gũi để chúng ta thích nghi dần với cảm giác người thân đã mãi mãi không còn nữa. Người thân giờ chỉ còn là một bức ảnh đóng khung đẹp đẽ.
_ Những đứa trẻ bị bố mẹ đánh đến chết nếu được sống lại thì có xứng đáng được đánh bố mẹ chúng đến chết không? Chúng ta xót thương những đứa trẻ bị đối xử tàn nhẫn. Chúng ta lên án những kẻ giết cha giết mẹ. Nhưng có bao giờ chúng ta thử nghĩ tới tình huống khi chính những đứa trẻ bất hiếu vô ơn đó là những đứa trẻ đã từng bị bố mẹ tra tấn đến chết đi sống lại suốt thời ấu thơ?
_ Không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác. Đúng. Không ai có quyền tước đi mạng sống của-người-khác. Nhưng tước đi mạng sống của-chính-mình thì được phải không?
HN, 7/11/2024.
*For people that care for me: I’m fine and I’m not going to kill myself. Don’t worry.
Leave a Reply