Chắc hẳn đã có lúc bạn tự hỏi: “Viết một bài blog như thế nào?”, hay: “Không biết quá trình viết blog của người khác như thế nào, có giống mình không?”

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ về quá trình viết một bài blog của mình, bao gồm 5 bước: tìm ý tưởng, lên dàn ý, viết nháp, biên tập và hoàn thiện. Hy vọng, bài viết sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích để các bạn mường tượng và đối chiếu quá trình viết blog của bản thân với những người xung quanh.

Tuy nội dung của bài viết là về việc viết blog, trên thực tế, quy trình này có thể áp dụng cho các hình thức viết tương tự khác như viết bài PR hay bài luận ngắn.

1. Bài blog tốt cần có đặc điểm gì?

Trước khi vào cụ thể từng bước, tôi muốn chia sẻ sơ qua với các bạn ba yêu cầu tôi tự đặt ra cho các bài blog của mình, vì điều này ảnh hưởng đến thời gian và công sức mà tôi đầu tư cho các bài blog. Các yếu tố này bao gồm:

  1. Bài viết có ít nhất 1500 từ, tốt nhất là trên 2000 từ.
  2. Bài viết có hình ảnh, âm thanh, video hỗ trợ.
  3. Bài viết là nội dung tự viết, không cóp nhặt, chắp ghép từ bất cứ nguồn nào.

Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết mở rộng của tôi về những yếu tố làm nên một bài blog hấp dẫn: Làm thế nào để viết được một bài blog hay? 7 yếu tố bạn cần lưu ý.

2. Quá trình viết blog của tôi diễn ra như thế nào?

Với ba tiêu chí nêu trên, tôi thường dành ra khoảng 10 tiếng cho mỗi bài blog, chia làm 5 bước khác nhau:

  • Bước 1: Tìm ý tưởng (1 tiếng)
  • Bước 2: Lên dàn ý (2 tiếng)
  • Bước 3: Viết nháp (3 tiếng)
  • Bước 4: Hoàn thiện (3 tiếng)
  • Bước 5: Thêm thắt hình ảnh và các tài liệu minh hoạ (1 tiếng)

Bước 1: Tìm ý tưởng cho bài blog

Ý tưởng cho mỗi bài blog của tôi có thể đến từ khắp nơi, và vào bất cứ lúc nào. Lúc tôi đang nấu ăn, khi đọc sách, lúc đợi đèn đỏ hay khi đi dạo trong công viên.

Do đã xác định được từ trước chủ đề mà mình muốn viết về, chính là các phân loại đề mục lớn mà bạn nhìn thấy trên website này; các ý tưởng của tôi khá tập trung, thường chỉ xoay quanh các chủ đề viết lách, phim, sách, mèo…

Một vài trường hợp cụ thể khi tôi đã tìm ra ý tưởng cho bài blog của mình phải kể đến:

  • Khi mèo nhà tôi bị táo bón nặng và tôi nghĩ những kinh nghiệm của mình trong việc chữa trị cho nó sẽ hữu ích cho các bạn, tôi đã viết bài “Mèo bị táo bón thì phải làm thế nào?
  • Khi xem xong phim “Another Round“, bộ phim mới đạt giải Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất, tôi cảm thấy rất xúc động và thèm uống rượu nên đã viết về khía cạnh này của bộ phim.
  • Khi đọc xong cuốn sách “Đông Dương ngày ấy” và nhận ra sách của người Pháp viết về Việt Nam thời kỳ đô hộ có nhiều điểm phiến diện khó tin.

Mỗi khi nảy ra một ý tưởng, tôi thường ghi nhanh vào phần mềm Note trên điện thoại iPhone, sau đó nhập lại vào file Google Sheet, nơi tôi tổng hợp lại tất cả những ý tưởng viết bài mà mình có. File Google Sheet của tôi luôn có hàng chục bài viết xếp hàng chờ được lên dàn ý, cũng chính là bước tiếp theo trong quá trình viết blog của tôi.

Bước 2: Lên dàn ý cho bài blog

Đây là giai đoạn tôi lên cấu trúc cho bài viết bằng việc vạch ra những ý lớn và nhỏ mà tôi sẽ triển khai với từng bài.

Đây cũng là lúc tôi xác định quan điểm cá nhân mà mình sẽ đưa vào bài để viết khiến bài viết thú vị hơn. Do mục đích trang blog của tôi là một trang blog cá nhân nên tôi luôn cố gắng viết bài một cách chủ quan nhất có thể.

Các bạn có thể tìm đọc những bài viết khách quan ở rất nhiều nơi khác nhau trên internet này, nhưng trên trang này, tôi muốn các bạn đọc được những ý kiến chủ quan của bản thân tôi, những trải nghiệm của chính tôi. Những trải nghiệm này có thể giống hoặc khác những người khác. Mục đích của tôi là để bạn có thể nhìn sâu vào quá trình sống và suy tư của tôi.

Quá trình lên dàn ý này sẽ giúp tôi nhìn nhận xem một chủ đề có đủ thú vị để viết tới 2000 từ hay không. Đồng thời, xem xét xem bài viết có đủ đặc sắc và khác biệt với những bài viết cùng chủ đề trên mạng không.

Nếu chưa thì tôi sẽ phải tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin cho bài viết, hoặc thay đổi góc nhìn cá nhân để bài blog thêm cá tính.

Bước 3: Viết nháp

Đây thường là giai đoạn quan trọng và mất thời gian nhất vì tôi phải chuyển tất cả ý tưởng của mình thành câu chữ và các đoạn văn hoàn chỉnh.

Với giai đoạn này, nguyên tắc của tôi là: Viết nhanh-nhiều và không sửa bài trong lúc viết. Quan trọng ở bước này là tôi cần viết xuống tất cả những câu cú, chữ nghĩa tôi có trong đầu liên quan đến dàn ý của bài mà tôi đã xây dựng ở bước trước.

Có những lúc lời văn của tôi trôi nhanh đến mức tay tôi không đánh theo kịp, lỗi chính tả và cú pháp sai tùm lum nhưng tôi cứ mặc kệ. Miễn là mình viết hết được những thứ mình muốn nói.

Việc viết nháp giống như một dòng nước lũ đang chảy vậy, nếu không có gì ngăn cản thì dòng nước lũ sẽ ngày một to, cũng tức là càng viết tôi sẽ càng ra nhiều ý. Nếu tôi dừng lại để sửa hoặc tự vấn những gì tôi đang viết thì chắc chắn sẽ bị cụt hứng, và chữ sẽ tự dưng biến mất. Hãy cứ để mạch chữ tuôn ra dù nó có tuôn tung toé mất kiểm soát thế nào.

Bởi giai đoạn chỉnh sửa nó sẽ đến ngay sau đây.

Bước 4: Biên tập bài blog

Biên tập là giai đoạn mất thời gian không kém gì bước viết nháp. Đây là bước tôi lười nhất nhưng cũng thích thú nhất vì tôi được dọn dẹp bài viết của mình, biến nó từ một mớ hỗn độn thành một bài viết hoàn chỉnh.

Thường quá trình này sẽ không diễn ra liền sau khi tôi viết mà sẽ cách ít nhất 1 ngày. Bởi sau khi viết nháp, tôi cần cho đầu óc nghỉ một thời gian để có thể trở lại trạng thái minh mẫn cho quá trình biên tập.

Ernest Hemingway đã nói “Write drunk, edit sober” (Viết khi say sưa, biên tập khi tỉnh táo). Đây chính là giai đoạn tôi cần một cái đầu lạnh để tự phê phán bài viết của mình.

Trong quá trình biên tập, có rất nhiều điều có thể xảy ra với bài viết của mình. Nhẹ thì chỉnh sửa lại câu cú, từ ngữ cho trôi chảy. Nặng hơn chút thì thêm ý này, bớt ý kia, thay đổi vị trí của các đoạn văn để bài viết mạch lạc và chặt chẽ hơn. Nặng hơn nữa thì là phải đập đi xây lại hoàn toàn vì tất cả những thứ tôi viết nháp đều ngớ ngẩn và vô nghĩa. Và vô phương cứu chữa nhất chính là vứt luôn bài viết vào sọt rác và không bao giờ muốn nhìn lại nó nữa.

Bước 5: Hoàn thiện bài blog

Nếu quá trình biên tập giúp tôi có bản chữ viết cuối cùng, thì quá trình hoàn thiện là khi tôi “mông má” về mặt hình ảnh và thông tin để bài viết thêm bắt mắt và đáng tin cậy. Quá trình này bao gồm các hoạt động sau:

  • Tìm hình ảnh đại diện cho bài viết
  • Tìm hình ảnh minh hoạ cho các ý được nhắc tới trong bài
  • Thêm thắt các nguồn thông tin để củng cố cho các ý tứ, số liệu được nhắc tới trong bài.
  • Tối ưu từ khoá cho bài viết

Tuỳ vào nội dung từng bài mà quá trình này có thể nhanh hoặc chậm. Hình ảnh đại điện cho bài viết thì tôi chủ yếu tìm trên Unsplash. Đây thật sự là một nguồn hình ảnh giá trị bởi tôi có thể dùng nó cho đủ loại mục đích mà không bị vi phạm bản quyền. Với những bài viết cần hình ảnh minh hoạ liên quan trực tiếp đến nội dung thì tôi thường tự chụp và chỉnh sửa, ví dụ như các bài về nuôi mèo và đọc sách.

Một vài ghi chú thêm về quá trình viết blog của tôi

  • Quá trình 10 tiếng viết blog này thường không diễn ra liên tục mà có thể kéo dài vài ngày, đặc biệt là ở giai đoạn tìm ý tưởng và biên tập.
  • Thời gian cũng chỉ mang tính chất ước lượng sơ sơ và phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức mà tôi đang có về chủ đề mà tôi đang viết.
  • Đôi lúc, các bước này không tách biệt hoàn toàn mà sẽ trùng lặp. Ví dụ giai đoạn lên ý tưởng và dàn ý có thể diễn ra cùng lúc, khi tôi nảy ra ý tưởng và có luôn dàn ý trong đầu. Hoặc đôi lúc, tôi sẽ bỏ qua giai đoạn dàn ý mà đi thẳng vào viết nháp, nhất là khi ý tưởng đó tôi đã nằm lòng.

3. Làm sao để vượt qua sự chây ì của bản thân để viết được những bài blog chất lượng hơn?

10 tiếng cho một bài blog nghe thì có vẻ nhiều, nhưng thật sự nó diễn ra khá nhanh và trôi, nhất là khi bạn đã vào guồng viết. Tuy nhiên giống như tất cả những việc khác, việc khó nhất vẫn là bắt đầu.

Để vượt qua giai đoạn này, tôi thường rất linh động ở các bước tìm ý tưởng, lên dàn ý và viết nháp. Tôi làm 3 việc này chủ yếu trên điện thoại, như vậy tôi có thể làm việc ở tất cả mọi nơi mà không cần phải mở laptop. Có những lúc tôi sẽ viết dàn ý khi nằm trên giường trước khi đi ngủ, hoặc thậm chí có những đêm tỉnh dậy lúc nửa đêm xong không ngủ lại được, tôi cũng mở điện thoại ra để viết blog.

Khi đã có dàn ý, tôi gần như đã đi được một nửa chặng đường, chính vì thế, tôi sẽ đỡ ngại hơn khi phải mở máy tính lên để hoàn thành nốt bước biên tập và hoàn thiện.

Bản thân tôi khá thích công việc biên tập (chắc do khó tính, thích sự hoàn hảo và yêu thích công việc dọn dẹp!) nên một khi đã mở được laptop lên và làm thì tôi sẽ rất tập trung và hoàn thành nhanh chóng. Tôi cảm thấy vô cùng sảng khoái khi mình có thể “cắt gọt và mài dũa” một bản nháp thành một bài viết hoàn chỉnh.

4. Kết luận về việc “viết blog như thế nào”

Bài viết này của tôi không phải là một bài hướng dẫn viết blog như thế nào, mà chỉ đơn giản là một bài chia sẻ cách tôi viết blog. Tôi vốn thích quan sát và tìm hiểu quá trình người khác làm việc nên rất thích thú với việc biết được chi tiết một sản phẩm đã ra đời như thế nào, đôi lúc còn thích thú hơn là chiêm ngưỡng thành quả.

Cũng chính vì thế, tôi hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho những bạn có tính “tọc mạch vào quá trình” giống tôi.

Nếu bạn tò mò vì sao tôi lại viết blog thì có thể đọc bài “Vì sao tôi viết và vì sao tất cả chúng ta đều nên viết nhiều hơn?”