“Cửa Hàng Thịnh Vượng – Ba Món Nhỏ Lời Lãi To” sẽ cho bạn những ý tưởng và bí quyết độc đáo để chuẩn bị mở quán của riêng mình hoặc để thay đổi và cải thiện cách thức hoạt động hiện tại ở quán của bạn. Đây là cuốn sách thứ hai của Takashi Uno mà tôi có cơ hội được đọc, sau cuốn “Bổ được cà chua, mở được tiệm cơm. Bật được nắp chai, mở được quán nhậu” và tôi từng review tại đây.
“Cửa Hàng Thịnh Vượng – Ba Món Nhỏ Lời Lãi To” không mang lại cho tôi cảm giác quá thích thú như hồi đọc “Bổ được cà chua, mở được tiệm cơm. Bật được nắp chai, mở được quán nhậu” cách đây vài năm. Lý do có lẽ vì giờ đây, sau hơn ba năm vận hành một quán cà phê riêng, tôi đã dày dạn và thực dụng hơn khá nhiều nên những điều tác giả nói trong cuốn sách, có nhiều chỗ tôi thấy không dễ áp dụng nữa.
Tuy nhiên, cuốn sách vẫn đầy ắp những câu chuyện thú vị, những bí quyết kinh doanh hiệu quả đã được kiểm chứng bởi chính tác giả ở các quán nhậu của mình. Và tất cả những điều này đều được tác giả chia sẻ với một phong thái dí dỏm và vô tư, cứ như chính ông đang ngồi trong một quán nhậu và tâm tình với các bậc hậu bối về kinh nghiệm mở quán.
Trong “Cửa Hàng Thịnh Vượng – Ba Món Nhỏ Lời Lãi To”, tôi đặc biệt tâm đắc với quan điểm của ông về việc mở một quán nhỏ nhưng thịnh vượng. Tôi thích cái suy nghĩ rằng bạn có thể hạnh phúc với chỉ một quán nhỏ. Chẳng cần phải mở chuỗi, chẳng cần phải kêu gọi đầu tư, chẳng cần phải hiện diện ở khắp mọi miền tổ quốc, chỉ cần bạn tập trung khiến quán nhỏ của mình chạy thật tốt là bạn đã có thể vui sống trọn đời.
Và kể cả khi bạn mở những quán tiếp theo thì không nhất thiết quán thứ hai phải giống y hệt quán thứ nhất. Mỗi quán có thể hoạt động độc lập và có phong cách hoàn toàn khác nhau. Theo như những chia sẻ của tác giả thì các quán của ông cũng có nhiều sự khác biệt về thực đơn và phong cách, mỗi quán đều có trưởng cửa hàng đóng vai trò như linh hồn của quán, và trưởng cửa hàng đó phải chịu trách nghiệm về doanh thu của quán. Có trường hợp khi một trưởng cửa hàng nghỉ thì doanh số của cửa hàng đó sụt giảm hẳn, và trưởng cửa hàng tiếp theo đã phải cố gắng rất nhiều để đạt được doanh thu như cũ. Ví dụ này cho thấy mỗi quán dù thuộc về cùng một chủ hay không, nếu muốn hoạt động có lãi thì đều cần thích nghi với vị trí, kết cấu mặt bằng và tập khách hàng ở khu vực đó. Cách này sẽ giúp các quán nhỏ trở nên khác biệt và phát huy được năng lực cạnh tranh với các chuỗi lớn đang hoạt động với một mô hình đồng nhất ở tất cả các chi nhánh.
Một điểm nữa về quan điểm mở quán của ông mà tôi thấy khá thích đó là: “Đối với cửa hàng đầu tiên, hãy khoan mở cửa hàng mình muốn làm, hãy mở một cửa hàng chắc chắn kiếm ra lời. Nếu ở cửa hàng đầu tiên, bạn chủ yếu phô trương cá tính bản thân mình, hẳn khách hàng sẽ cảm thấy thật khó tiếp nhận. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng sau khi cửa hàng đầu tiên đã phát đạt thì hãy làm những thứ mình muốn ở cửa hàng thứ hai, thứ ba.”
Quan điểm này của tác giả khá giống suy nghĩ của tôi. Bản thân tôi đã từng biết vài trường hợp chủ quán đầu tư quá nhiều tiền để xây dựng một quán đúng với mong muốn của mình, sau đó không thể duy trì và phải sang nhượng hoặc đóng cửa quán mà chưa thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Chưa kể, thua lỗ ở cửa hàng đầu tiên sẽ khiến người đó không còn muốn đầu tư vào cửa hàng tiếp theo, và thế là giấc mơ có một quán thịnh vượng của riêng mình sẽ mãi mãi bị dập tắt.
Để không rơi vào trường hợp như vậy, Uno khuyên chúng ta nên thực dụng hơn, chỉ nên đầu tư vào những thứ thật sự cần thiết và hãy luôn ở tình trạng “đói kém”, bởi chỉ khi ở trạng thái này, chúng ta mới “có thể phát huy tiềm năng đáng ngạc nhiên của mình.” Để minh họa cho quan điểm này, tác giả nhắc tới một quán nhậu đứng tên là Banpaiya. “Quán Banpaiya không hề bỏ tiền cho phần nội thất mà chỉ bày đồ ăn, đồ uống giá tầm 100-300 yên thành từng hàng. […] Bề mặt tường cũng sử dụng những vật liệu rẻ tiền, thực đơn cũng được dán chằng chịt, chẳng có chút quan tâm nào đến không gian gì cả. […] Những quán nhỏ luôn phải suy nghĩ cách chiếm cảm tình của khách hàng với nguồn tài chính có hạn. Những cách làm của quán Banpaiya hiện giờ, như phục vụ món ăn với giá rẻ đến mức ngạc nhiên, hay không cần tốn nhiều nhân lực mà vẫn có thể nhanh chóng đem đồ ăn ra phục vụ khách hàng có lẽ chính là do ‘cái khó ló cái khôn'”.
“Cửa Hàng Thịnh Vượng – Ba Món Nhỏ Lời Lãi To” là một cuốn sách dễ thương, và tôi nghĩ cũng được viết ra bởi một con người dễ mến, hóm hỉnh và luôn lạc quan. Cũng như “Bổ được cà chua, mở được tiệm cơm. Bật được nắp chai, mở được quán nhậu”, đây là kiểu sách bạn có thể đọc hết trong một ngày nhưng sau đó, bạn có thể cầm sách lên bất cứ lúc nào, mở ra một trang bất kỳ và tìm thấy những đoạn viết truyền cảm hứng, giúp bạn có thêm niềm tin vào cửa hàng của mình. Đây thật sự là một cuốn sách đáng đọc đối với những người muốn mở cửa hàng ăn nhậu, hay đang tìm kiếm ý tưởng để thu hút và chinh phục được những khách hàng trung thành hơn.
Chấm điểm theo thang điểm review của tôi: 3/5.
Hà Nội, 03.12.2023
Leave a Reply