Có một quan niệm mình khá không thích ở Việt Nam đó là nếu bạn già hơn thì bạn giỏi hơn.

Nếu bạn già hơn thì bạn là “anh chị”. Nếu bạn già hơn thì bạn có quyền dạy bảo người nhỏ hơn. Nếu bạn già hơn thì bạn có nhiều kinh nghiệm hơn. Nếu bạn già hơn thì người nhỏ tuổi hơn phải tôn trọng bạn.

Một vài câu nói mà những người già hơn hay nói là:

1. “Anh làm cái này nhiều rồi. Chắc chắn anh biết hơn em.” (Có thật như vậy không ạ? Sao em thấy những người làm cái này có một lần thôi vẫn làm tốt hơn anh?)

2. “Chị có kinh nghiệm 10 năm trong ngành này rồi. Em yên tâm.” (Chị có chắc là 10 năm không? Hay chỉ là 1 năm lặp đi lặp lại?)

3. Bao giờ em già như anh em sẽ hiểu? (Có thể em không cần phải già như anh thì em mới hiểu được nó.)

4. Ngày xưa chị cũng như em nhưng giờ chị khác rồi? (Bảo sao giờ chị tệ thế.)

Mình không phản đối chuyện những người thật sự già hơn và giỏi hơn đưa ra những lời khuyên cho lớp trẻ, và mình cũng rất trân trọng những lời khuyên đó, vì nó sẽ giúp những người đi sau học từ lỗi lầm của người đi trước và tiến nhanh hơn trong cuộc sống.

Mình chỉ không thích người ta mượn cái tuổi tác của mình để lên lớp với người khác. Theo mình, chỉ những người không tự tin vào bản thân thì mới lấy tuổi ra để lấy uy với người xung quanh. Nếu họ thật sự có khả năng thì nó sẽ toát ra từ suy nghĩ và hành động của họ, chứ không phải từ việc họ bao nhiêu tuổi và có mấy năm kinh nghiệm.

Không may là lối xưng hô có thứ bậc của tiếng Việt đôi lúc lại khiến những người già hơn có công cụ để tự cho mình là “anh chị” của thiên hạ.

Đôi lúc ước gì trong tiếng Việt có một cách xưng hô bình đẳng hơn kiểu “I” và “you” trong tiếng Anh.

Hà Nội, 27/08/2017.