Cùng với sự ra đời và phát triển của internet, blogging đã trở thành một hình thức xuất bản cá nhân cực kỳ phổ biến hiện nay. Mỗi bài blog được bạn đăng tải sẽ phải cạnh tranh với hàng ngàn bài blog khác cùng chủ đề. Vậy làm thế nào để viết được một bài blog hay, được độc giả đón nhận và yêu thích?
Ở bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn 7 yếu tố quyết định sự thành công của một bài blog.
1. Có khán giả mục tiêu rõ ràng
Một bài blog dành cho tất cả mọi người tức là một bài blog không dành cho ai cả.
Chính vì thế, trước khi bắt đầu một bài viết, hãy nghĩ về việc ai sẽ là độc giả của bạn. Họ có tính cách ra sao? Phong cách sống và giao tiếp của họ như thế nào? Mối quan tâm của họ là gì? Có trở ngại gì trong cuộc sống mà họ đang gặp hay không? Vì sao họ cần phải đọc bài viết của bạn giữa hàng ngàn những bài viết tương tự khác?
Việc xác định độc giả mục tiêu sẽ khiến bài viết của bạn trúng đích hơn vì:
- Bạn có hình dung rõ ràng về người sẽ đọc blog của mình nên có thể sử dụng ngôn ngữ phù hợp, tuỳ chỉnh giọng văn và phong cách cho gần gũi với độc giả. Đôi khi cùng một chủ đề, nhưng mỗi nhóm khán giả mục tiêu sẽ thích một văn phong khác nhau.
- Bạn xác định được những vấn đề mà độc giả đang gặp phải và có thể điều hướng nội dung bài viết để nhắm tới nhóm mục tiêu này. Với cùng một vấn đề, những nhóm độc giả mục tiêu nhiều khi lại đi tìm những câu trả lời rất khác nhau. Ví dụ cùng câu hỏi: “Mục tiêu cuộc sống của bạn là gì?”, nhóm sinh viên mới ra trường chắc chắn sẽ có câu trả lời rất khác với nhóm sắp về hưu.
2. Có nội dung trả lời trúng vấn đề nhức nhối của độc giả mục tiêu
Sau khi đã xác định được nhóm độc giả mục tiêu, hãy chắc chắn nội dung bài viết của bạn đem tới một câu trả lời thoả đáng cho vấn đề mà nhóm này đang gặp phải.
Bạn cũng cần đảm bảo nội dung là do bạn tự viết, và không sao chép từ bất kỳ một trang web nào.
Độ dài của bài viết đôi khi là thước đo khá tin cậy cho chất lượng của bài viết. Đa phần các bài trên mạng hiện nay chỉ dài khoảng 500-700 từ. Theo tôi, đây là một độ dài “khá ngắn” để có thể có một bài viết hữu ích. Các bài viết dạng này thường chỉ dừng lại ở các thông tin bề mặt – loại thông tin mà bạn có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi. Chúng cũng không có khả năng giữ chân người đọc do không mang lại thêm nhiều kiến thức hữu ích.
Theo một bài viết của Neil Patel, các bài blog dài trên 1500 thường có lượng đọc tự nhiên cao hơn và cũng được chia sẻ và tương tác nhiều hơn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là, một bài viết tốt thì thường dài, nhưng những bài viết dài thì chưa chắc đã tốt.
Chính vì thế, thay bằng việc tập trung vào việc đếm số từ của một bài viết, hãy bỏ thời gian và công sức ra để nghiên cứu chủ đề và viết nên những nội dung toàn diện và sâu sắc, giải quyết đúng vấn đề nhức nhối của nhóm khán giả mục tiêu. Đó là cách tốt nhất để có một bài blog hay.
3. Có góc nhìn thú vị và ví dụ thực tế để minh chứng
Yếu tố này hơi mang tính chất chủ quan một chút, vì bản thân tôi thích đọc những bài có quan điểm cá nhân rõ ràng.
Quan điểm cá nhân có thể đúng hoặc sai, nhưng điều tôi tìm kiếm ở một bài blog hay là người viết có đủ tự tin và có khả năng tìm kiếm dẫn chứng để bảo vệ cho các luận điểm của mình hay không? Nếu có, thì dù bài viết đó có trái ngược với suy nghĩ của tôi, tôi vẫn sẽ rất trân trọng.
Chưa kể, các bài viết có góc nhìn thú vị cũng sẽ được hưởng ứng và chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
4. Có tựa đề rõ ràng và cho người đọc biết họ sẽ nhận được gì
Trên internet, tựa đề là yếu tố quyết định người đọc có nhấn vào bài viết của bạn không. Một bài blog hay mà không có tựa đề hấp dẫn là một sự lãng phí vô cùng.
Những người không quen viết cho môi trường mạng thường sẽ đặt tựa đề khá chung chung, với suy nghĩ là không nên tiết lộ quá nhiều về bài viết của mình ngay từ đầu, sợ rằng người đọc sẽ chán. Tuy nhiên, một tựa đề hay trong không gian mạng là một tựa đề nói rõ với độc giả mục tiêu là họ sẽ nhận được gì trong bài viết.
Ví dụ như này:
- Tựa đề chung chung sẽ là: “Bí quyết tán gái”
- Tựa đề tốt hơn một chút sẽ là “8 bí quyết tán gái đảm bảo thành công”
- Tựa đề tốt hơn nữa sẽ là: “8 bí quyết tán gái đảm bảo thành công dành cho những chàng trai nhút nhát”
- Tựa đề của Kênh 14 sẽ là: “8 bí quyết tán gái đảm bảo thành công dành cho những chàng trai nhút nhát và điều số 8 thật sự không ai ngờ tới”
5. Có cách trình bày mạch lạc
Nếu khi đọc sách, người đọc thường ở trong tâm trạng tập trung và có thể thẩm thấu được những đoạn văn dài và khó; thì khi đọc blog, người đọc thường chỉ lướt qua để nắm ý chính và dừng lại khi thấy những nội dung họ thật sự quan tâm.
Chính vì vậy, bạn cần chú ý đến cách trình bày bài blog sao cho thật ngắn gọn, rõ ràng và mạch lạc. Một số cách bạn có thể làm là:
- Chia bài viết thành từng phần, có tựa đề phụ được đánh số thứ tự rõ ràng.
- Sử dụng gạch đầu dòng nếu có thể
- In đậm những ý quan trọng và cần lưu ý
- Sử dụng từ ngữ đơn giản
- Viết những câu ngắn và ngắt nghỉ câu hợp lý.
6. Có minh hoạ cho bài viết
Để bài blog thêm sinh động và hấp dẫn, bạn cũng nên sử dụng các phương thức minh hoạ phù hợp. Minh hoạ ở đây không chỉ là hình ảnh, mà có thể là video, biểu đồ, bảng thông tin…
Minh họa không những góp phần giúp bài viết hấp dẫn hơn mà còn khiến bài viết “dễ tiêu hoá” hơn. Chúng giúp người đọc dễ nắm bắt những thông tin phức tạp và cũng giúp mắt người đọc đỡ mệt hơn vì tạo ra những điểm ngưng nghỉ khi kéo xuống toàn bộ bài viết, đặc biệt là với những bài dài.
7. Bài viết được tối ưu cho công cụ tìm kiếm
Cuối cùng là một yếu tố mang tính chất “kỹ thuật” một chút.
Có rất nhiều bài blog hay nhưng không được khám phá do không được tối ưu cho các công cụ tìm kiếm.
Vấn đề tối ưu hoá công cụ tìm kiếm là một mảng khá rộng mà tôi không thể nhắc đến hết trong bài viết này. Ở đây, tôi chỉ điểm qua một vài cách tối ưu hoá nội dung bài viết cơ bản nhất mà bạn có thể thực hiện ngay, bao gồm:
- Hãy chắc chắn bạn có một từ khóa được tối ưu trong bài viết, và từ khoá này chính là nội dung chính mà bạn đang tập trung diễn giải và phân tích trong bài.
- Từ khoá này cần được lặp lại đủ nhiều, cụ thể là trong tựa đề chính, tựa đề phụ, url, meta tag, hình ảnh đại diện và xuyên suốt nội dung bài viết
- Bài viết của bạn có gắn link liên kết đến các bài viết khác trên cùng website và các bài viết ở các website khác có liên quan.
Kết luận
Hy vọng bài viết đã cung cấp một chút thông tin hữu ích để giúp bạn viết được những bài blog thú vị hơn. Những gợi ý này được đúc kết từ kinh nghiệm làm việc với content và viết lách của tôi qua nhiều năm. Viết blog, theo tôi, vẫn là một công việc mang tính chất cực kỳ cá nhân; viết gì, viết ra sao cuối cùng vẫn là ở bạn. Thành công hay thất bại cũng là do bạn.
Chính vì thế, những gợi ý bên trên của tôi chỉ mang tính chất tham khảo, quan trọng nhất vẫn là sự thực hành rộng và sâu để bạn tự rút ra những phương pháp và phong cách phù hợp nhất.
—
Đọc thêm:
September 1, 2021 at 5:16 pm
Bài này hữu ích quá, cảm ơn tác giả 😀