Sau 9 năm, tôi quyết định xem lại phim Les Miserables (Những Người Khốn Khổ). Lý do là vì đợt này đang hứng thú với các phim âm nhạc. Hôm trước, tôi mới xem The Greatest Showman với nhân vật chính được đóng bởi Hugh Jackman, nên tôi chợt nhớ ra Les Miserables là bộ phim đầu tiên mà tôi để ý tới Hugh Jackman vì vẻ đẹp trai và phong trần trong sự khắc khổ của anh.

Chưa kể, Les Miserables còn có Eddie Redmayne. Lần đầu xem, tôi chả để ý đến anh, mãi về sau qua hai bộ phim The Theory of Everything với Danish Girl, tôi mới thấy anh đẹp trai quá, lặn lội vào IMDB xem anh đã đóng phim gì thì thấy có Les Miserables. Huhu, con mắt mê trai của tôi ngày đó không hiểu vì sao đã để lọt một chàng trai thư sinh có đôi mắt si tình như vậy =)))

Lần này xem lại Les Miserables thì thấy hay hơn ngày trước khá nhiều, có lẽ một phần do tôi có nhiều trải nghiệm cuộc sống hơn nên cảm thấy có mối liên hệ với các nhân vật trên phim nhiều hơn. Bộ phim thật sự đã khắc hoạ được thực tế cuộc sống của “những người khốn khổ” qua những nhân vật với cá tính có chiều sâu.

1. Jean Valjean

Không hiểu sao một người đàn ông có thể biến đổi qua nhiều chiều cân nặng và cơ thể như Jean Valjean trong Les Miserables? Từ một người tù khổ sai với cơ thể săn chắc và sức khoẻ phi thường tới một người đàn ông cơ bắp lực lưỡng xấu xí ghê gớm.

Anh đại diện cho những người mà cuộc sống bị thay đổi hoàn toàn chỉ vì một lỗi lầm cực nhỏ: Ăn trộm bánh mì để cháu không bị chết đói. Chỉ thế thôi mà phải đi tù 19 năm, khi ra tù thì bị xã hội xua đuổi và xa lánh do là thành phần có quá khứ “nguy hiểm”. Sau này, dù có được Chúa cứu rỗi để bắt đầu một cuộc đời mới tự do, dù đã làm rất nhiều việc tốt để trả ơn Chúa, anh mãi mãi vẫn mang trong mình “mặc cảm tội phạm”. Có lẽ những người đã từng phạm tội trong xã hội cũng sẽ trải qua những giai đoạn cảm xúc giống anh:

  • Không còn cách nào khác để kiếm kế sinh nhai, phải đi ăn trộm vặt.
  • Bị bắt và chịu hình thức phạt quá nặng nề cho một tội lỗi quá nhỏ
  • Bị đi cải tạo trong tù, căm ghét và mất niềm tin vào chế độ, chỉ chờ ngày được thả tự do.
  • Được thả tự do, tràn đầy niềm tin làm lại cuộc đời.
  • Bị xã hội ruồng bỏ thêm lần nữa, càng căm thù xã hội và chế độ hơn.
  • Gặp được một “biến cố” trong đời và giúp anh nhận ra mình phải thay đổi để tiếp tục sống tiếp.
  • Trở nên thành công khi rũ bỏ quá khứ và trở thành một con người hoàn toàn khác, nhưng mặc cảm tội lỗi vẫn luôn đeo bám và luôn sợ một ngày những người xung quanh sẽ biết được quá khứ của mình.
  • Không chịu được mặc cảm và day dứt trong lòng, không biết mình thật sự là ai. Muốn được nói với tất cả mọi người về danh tính thật của mình nhưng không dám.
  • Cuối cùng, chỉ yên tâm chết và siêu thoát khi mọi người đã biết anh là ai và công nhận anh là một người tốt.

Cảm thấy đoạn day dứt về con người mình thật sự là ai hơi giống nhân vật Don Draper trong Mad Men.

2. Javert

Nếu phải chọn một nhân vật yêu thích thì chắc tôi sẽ chọn Javert (được đóng bởi Russell Crowe) – người đàn ông kiên định nhất phim. Trong phim, anh được mô tả là nhân vật đối đầu với Jean Valjean, tượng trưng cho tầng lớp cai trị bằng luật lệ hà khắc và cứng nhắc.

Anh có nhiều lần đối đầu một-một với Jean Valjean, và ít nhất 2 lần, anh hoàn toàn có thể bị cho vào tù hoặc gạ gục bởi Jean Valjean, nhưng cả hai lần, Javert đều được Jean Valjean tha chết với lý do: “Anh không có lỗi gì cả, anh chỉ đang làm nhiệm vụ của mình.” Điều này khiến Javert khá khó xử bởi con người Javert gắn liền với công việc. Nếu tách bản thân ra khỏi nhiệm vụ thì rốt cuộc anh là ai?

Nhiều người trong chúng ta chắc cũng có những băn khoăn tương tự. Nếu không được đi làm, không có chức vụ, không có đồng nghiệp, không có những mối quan hệ, những thử thách trong công việc để thể hiện bản thân thì rốt cuộc chúng ta là ai? Chúng ta có tồn tại hay không? Con người và con người công việc của chúng ta có phải là một?

Để trả lời cho câu hỏi trên, Javert đã chọn cái chết để chứng minh rằng anh là công việc và công việc là anh, anh không chấp nhận con người yếu đuối và giàu lòng trắc ẩn của bản thân, bởi nó đi ngược lại với con người cứng rắn khi làm nhiệm vụ và hết mình vì công việc của anh.

Tôi vốn có lòng hâm mộ với những người tự chọn cái chết để chứng minh một niềm tin nào đó của bản thân, họ thật sự là những người sống có mục đích và triết lý riêng, nhất quyết không để tâm hồn và con người mình bị xã hội làm vẩn đục. Javert là một người như thế.

Không hiểu sao lần đầu xem, tôi không hề có ấn tượng gì với nhân vật này, chắc do hồi đó tôi còn căm ghét cường quyền nên chưa đủ chín chắn để nhận ra mỗi con người đều có mặt sáng-tối và chẳng có gì là đúng-sai hoàn toàn. Cái đúng có thể biến thành sai và cái sai có thể biến thành đúng khi chúng ta thay đổi góc nhìn của bản thân.

3. Fantine

Cô gái xinh đẹp nhưng bất hạnh bị phản bội trong tình yêu. Mất việc, cô chẳng còn cách nào khác để xoay tiền nuôi con ngoài việc bán tóc, bán răng và tất nhiên là… làm gái. Nếu đàn ông, khi bị đẩy đến bước đường cùng thường chọn cách trộm cướp thì đàn bà, luôn chọn cách làm gái. Nếu là tôi thì tôi cũng phải làm như vậy chứ sao, vốn tự có duy nhất mà =))

4. Cosette

Là con gái của Fantine, Cosette có lẽ là cô gái may mắn nhất phim. Cô tượng trưng cho sự trong sáng của xã hội. Cô tinh khiết, không bị vẩn đục, và là niềm mơ ước của mọi chàng trai. Sau khi Fantine chết, Jean Valjean tự cho mình là người đã đẩy cô tới chỗ chết nên đã hứa sẽ nhận nuôi đứa con gái tên Cosette của cô. Cosette được lớn lên trong sự bảo bọc của Jean Valjean nhưng cô không bao giờ biết được con người thật của cha mình. Jean Valjean cũng nhất quyết không để Cosette biết mình đã từng và vẫn đang là tội phạm bị truy lùng vì sợ cuộc sống của cô sẽ bị ảnh hưởng.

Người con gái trong sáng sau khi may mắn được Jean Valjean nuôi dưỡng thì lại tiếp tục may mắn được “rich kid” Marius đem lòng yêu thương và chu cấp cho một cuộc sống giàu sang phú quý. Huhuhu, quả là một cô gái may mắn nên tôi chẳng biết viết gì về cô ấy nữa. Càng viết chỉ càng thấy ghen tị thôi 🙁

Không biết có phải vì Cosette là một nhân vật trong sáng và thiếu cá tính nên đạo diễn đã chọn một diễn viên tóc vàng hoe và mắt to tròn long lanh là Amanda Seyfried thủ vai không.

5. Marius

Trong Les Miserables, Marius đích thị là một chàng trai “vứt sọt rác”. Và nếu Cosette là nhân vật may mắn nhất thì anh chàng này là nhân vật may mắn nhì. Anh chính là hiện thân của một “rich kid” sinh ra trong một gia đình quý tộc, thích nổi loạn, muốn thể hiện bản thân bằng việc tham gia cách mạng nhưng lại vô cùng yếu đuối khi “ngã vào tình yêu”. Marius vô cùng lung lay trước lựa chọn “chinh chiến” hay “yêu đương” và nếu không phải vì anh nghĩ rằng Cosette đã bỏ mình thì Marius cũng sẽ không trở về với anh em để làm cách mạng. Chưa kể, chàng trai còn hèn hạ lợi dụng Eponine (em gái bất hạnh bị Marius friendzone mà tôi sẽ nhắc tới ngay sau đây) để đạt được mục đích làm quen và chinh phục Cosette.

Bảo sao hồi xưa xem Les Miserables ko ấn tượng với Marius lắm =)) Đơn giản vì anh là chàng trai sống như lờ.

6. Eponine

Cô gái bất hạnh nhất phim, bị friendzone bởi Marius. Và đương nhiên tạo hình của cô là tóc đen và mắt không to tròn. Cô có một mối tình đơn phương mù quáng với chàng “rich kid” Marius. Cô nguyện làm tất cả vì chàng, kể cả việc giúp chàng chinh phục tình yêu với một cô gái khác.

Cuối cùng, Eponine đã chết trong vòng tay Marius khi tâm hồn của anh này vẫn hướng về Cosette.

Lần đầu tiên xem phim Les Miserables, thấy thương Eponine vô cùng. Một cô gái xấu xí, phải làm người ngoài cuộc trong mọi cuộc tình và cuối cùng là gì? Chết khi vẫn là một “third wheel”.

7. Vợ chồng Thenardier

Cặp vợ chồng này có thể coi là tầng lớp gian thương trong xã hội, họ không màng mọi thủ đoạn để làm tiền. Bà vợ được thủ vai bởi Helena Bonham Carter, không hiểu sao luôn được giao cho những vai đầu bù tóc rối =))

8. Enjolras, Grantaire & Garvoche

Ba nhân vật này thì khá phụ trong phim nhưng tôi thấy họ cũng là những cá tính khá điển hình và có để lại chút ấn tượng cho tôi.

Đầu tiên là Enjolras – thủ lĩnh đám “trẻ trâu nổi loạn” – người có mục đích sống rất rõ ràng là làm cách mạnh. Có hai phân cảnh thể hiện rõ tính cách của anh nhất là:

  • Đoạn hội thoại giữa anh và Marius được thể hiện qua bài hát Đỏ và Đen (Red and Black Song). Khi biết Marius vì yêu mà mất tập trung vào cuộc chiến ngày hôm sau, Enjolras đã lên tiếng để chỉnh đốn tư tưởng của bạn mình: “Who cares about your lonely soul? We strive towards a larger goal. Our little lives don’t count at all.” (Ai mà thèm để ý tới tâm hồn đơn độc của mày? Chúng ta đang hành động vì một lý tưởng lớn lao. Chẳng cuộc sống nhỏ bé nào có thể sánh được). Đây là một bài hát khá hay vì nó nói về sự đối lập giữa tình yêu và lý tưởng, giữa bóng tối và ánh sáng, và về sự lựa chọn của những chàng trai trẻ tuổi khi đứng giữa ngã rẽ này.
  • Cái chết của Enjolras ở cuối phim. Khi anh biết mình chắc chắn sẽ bị quân đội bắn chết, anh đã với tay lấy lá cờ đỏ và khi chết, xác anh treo ngoài cửa sổ, tay vẫn nắm chặt lá cờ để thể hiện cho niềm tin của mình.

Nhắc đến Enjoras thì đá qua Grantaire một tí, đây là nhân vật có ít đất diễn trong phim nhưng tính cách có phần hài hước, hay trêu bạn bè và thích uống rượu. Có hẳn một cảnh anh hát “Drink with me” (Uống cùng tao đi) trong phim. Mối quan hệ của Grantaire và Enjoras không thật rõ ràng trong phim, nhưng tôi có tìm hiểu nguyên gốc “Những người khốn khổ” thì thấy trong tiểu thuyết, Victor Hugo mô tả kỹ hơn mối quan hệ này. Enjoras coi thường Grantaire vì anh này không có chân lý sống và chỉ thích nhậu nhẹt, nhưng Grantaire lại ngưỡng mộ sự mãnh mẽ và nhất quán của Enjolras. Trong cảnh Enjolras bị bắn, cũng chính Grantaire là người đã ở bên và chết cùng.

Các nhân vật như Marius, Enjolras và Grantaire chính là tượng trưng cho tầng lớp nòng cốt của mọi cuộc chính biến. Họ là những người lạc lối, không có gì để mất, và một khi được “mặt trời chân lý chói qua tim” và được một cá nhân dẫn dắt truyền cảm hứng thì sẽ sẵn sàng hy sinh vì một lý tượng cao cả.

Cuối cùng thì nhắc tới Garvoche một chút. Đây là một thằng bé kỳ quặc, vô tư và cứ cười hềnh hệch suốt phim. Có lẽ là đại điện cho hình tượng trẻ em trong chiến tranh. Rất hăng hái, nhiệt tình, hiểu chuyện, nhưng cuối cùng cũng chết vì là nạn nhân của một cuộc chiến.

Tóm lại, phim Les Miserables rất đáng xem. Nếu như ở các phim ca nhạc khác, những đoạn hát thường hơi kịch hoá với các nhân vật nhảy nhót điên loạn không liên quan gì đến nội dung phim thì các đoạn hát của Les Miserables tự nhiên hơn rất nhiều với các đoạn hội thoại được phổ nhạc mượt mà. Có lẽ do Les Miserables đã được chuyển thể thành nhạc kịch từ rất lâu nên bản phim này cũng được thừa hưởng từ đó.

Chấm điểm phim theo thang review của tôi: 4/5

Bộ phim cũng đã thành công trông việc khuyến khích tôi tìm đọc một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại: “Những người khốn khổ” của Victor Hugo.

Kết thúc bài review này, tôi sẽ để bản nhạc “Do you hear the people sing?” (Bạn có nghe tiếng nhân dân đang hát?) ở đây nhưng một đoạn kết cho một bộ phim rất đẹp.