Từ hồi còn học cấp 1, tôi đã khá thích viết, biểu hiện là thích môn văn, hay viết nhật ký, và mỗi lần đọc báo Nhi Đồng tôi lại mong ước có ngày mình có bài được đăng báo.
Đến bây giờ thì tôi vẫn chưa có bài báo nào được đăng (trừ những bài viết thuê cho mấy thương hiệu và được đăng vì họ đã trả tiền mua “đất” trên báo), và cũng không còn thích “viết văn” nữa. Tuy nhiên, tôi đã hiểu ra được nhiều điều về việc “viết” và tôi cũng nhận ra mình nên viết gì, viết như thế nào và viết vì mục đích gì.
Bài viết này là những ghi chép của tôi về mối quan hệ của mình với bộ môn viết.
1. Vì sao tôi không viết?
Trước khi nói về việc “vì sao tôi viết” thì có lẽ tôi nên nhắc tới những yếu tố đã khiến tôi không viết. Điều này sẽ giúp tôi nhìn lại những do dự của bản thân và thực sự hiểu lý do vì sao tôi đã quyết định bỏ qua những mặc cảm này để viết.
Tôi không nghĩ mình là một người viết tốt
Đây là lý do đầu tiên và quan trọng nhất. Tôi luôn tự so sánh mình với người khác và nghĩ là:
- “Ồ, làm sao mình có thể làm thơ hay như vậy?”;
- “Chà, chắc chẳng bao giờ mình có thể viết nên một cuốn sách thấu suốt như thế?”;
- “Hừm, mình không có đủ khả năng để viết một mẩu truyện ngắn chứ chẳng nói gì đến một cuốn tiểu thuyết dày đặc tình tiết thế kia?”.
Việc liên tục tự vấn bản thân như vậy khiến tôi luôn trì hoãn việc viết. Tôi sợ những gì mình viết ra sẽ không đặc sắc và không đủ hấp dẫn như những tác phẩm mà tôi đã đọc.
Tôi sợ bị mọi người phán xét
Bên cạnh nỗi sợ mình không giỏi viết, tôi còn có một nỗi sợ khác là sợ bị người đọc đánh giá. Lý do này dẫn đến việc khi viết bất cứ thứ gì, tôi luôn quá chú trọng vào việc mọi người sẽ đón nhận bài viết của mình thế nào.
- “Mình viết như này liệu có bị phán xét gì không?”;
- “Liệu người ta sẽ người gì về mình khi đọc được những dòng này?”
Tôi từng có giải pháp viết nặc danh, tức là lập một cái blog không có tên tuổi, nơi tôi có thể tự do viết những gì mình nghĩ mà không sợ bị đánh giá. Tuy nhiên, sau rất nhiều những chiếc blog như vậy, tôi vẫn cảm thấy “sai sai”. Vì sao mình phải sợ những gì mình đang viết? Vì sao mình phải che giấu bản thân? Người ta chỉ che giấu bản thân khi làm gì đó sai trái, còn thẳng thắn nói lên quan điểm của mình thì có gì phải sợ? Chính vì lý do đó mà tôi chẳng bao giờ có đủ động lực để duy trì những cái blog không tên. Và tôi cũng chả có nhu cầu bày tỏ quan điểm cá nhân qua một cái blog mà người đọc chả biết tôi là ai, tôi làm gì, tôi ở đâu. Điều đó đối với tôi thật vô nghĩa.
2. Vì sao tôi viết?
Chính vì tự ti và sợ sệt ở trên mà tôi đã trì hoãn việc viết của mình qua nhiều năm. Trên thực tế, tôi vẫn duy trì việc viết dù không quá đều đặn. Tôi cũng tránh viết những thứ quá cực đoan, và tôi hiếm khi đăng lên môi trường công cộng những gì mình viết.
Tuy nhiên, đối với tôi, viết mà không công bố, không có người đọc thì cũng như là không viết. Và việc đối mặt với sự phán xét của khán giả là một phần công việc của người viết.
Việc tôi lập blog này là một cam kết của tôi với việc viết. Tôi đã tự nói với bản thân là mình phải vượt qua hai mặc cảm kia để viết nhiều hơn. Hai mặc cảm đó có thể sẽ không bao giờ biến mất, nhưng hiện tại, tôi đã có một cái nhìn bình thản và lạc quan hơn về chúng, cụ thể là:
Nếu tôi không viết ra những thứ thiếu đặc sắc thì tôi sẽ chẳng bao giờ viết ra được những thứ đặc sắc.
Thật vậy, nếu không viết hết ra những thứ ai cũng có thể nghĩ tới thì tôi sẽ không bao giờ viết được đến những thứ chưa ai nghĩ tới. Nếu không viết ra những thứ nhạt nhẽo trước thì tôi sẽ chẳng bao giờ vượt qua bản thân để viết được những thứ thú vị hơn.
Không thể tránh được việc bị đánh giá qua những thứ mình viết.
Sẽ luôn có ai đó phán xét bạn dù bạn làm bất cứ điều gì. Bạn mặc một chiếc váy bạn cho là đẹp nhưng sẽ có người khen, có người chê. Chính vì thế, chúng ta cần học cách đối mặt với những lời phán xét và tin vào bản thân nhiều hơn. Việc bị đánh giá thông qua những thứ mình viết, nếu nghĩ theo chiều hướng tích cực, sẽ giúp tôi nhận ra nhiều điều.
- Tôi sẽ hiểu về những người tôi quen biết hơn, tôi sẽ biết ai có cùng quan điểm với mình, ai không.
- Tôi sẽ biết quan điểm của mình có phải là quan điểm của số đông hay không.
- Tôi sẽ tự biết chọn lọc ý kiến nào nên lắng nghe, ý kiến nào nên bỏ ngoài tai. Trong tiếng Anh có một câu thành ngữ mà tôi khá thích, và có thể áp dụng khi bạn làm bất cứ điều gì nhưng sợ bị phát xét, đó là “Those who mind don’t matter, and those who matter don’t mind” (Người để ý thì không quan trọng, và người quan trong thì không để ý.) Chưa kể với thời đại công nghệ số ngày nay, đa phần người ta sẽ chẳng để tâm đến những gì tôi viết quá lâu. Đôi lúc những người phán xét tôi lại là những người không thật sự đọc nó. Còn những người thật sự quan tâm đến tôi thì sẽ chia sẻ thẳng thắn với tôi về những điều họ nghĩ hoặc mặc kệ tôi muốn làm gì thì làm vì họ quá biết tôi là ai.
Rốt cuộc, người phán xét quan trọng nhất vẫn là bản thân mình. Chỉ cần tôi thoải mái và hài lòng với những gì mình viết là được.
3. Viết mang lại lợi ích gì cho tôi?
Khi đã vượt qua được những mặc cảm của bản thân để viết nhiều hơn, tôi nhận ra viết thật sự là một liều thuốc tinh thần tuyệt vời. Những lúc cô đơn, những lúc bức xúc, những khi cần giải toả, chỉ cần được viết ra những gì mình nghĩ và thả vào WordPress là tôi đã thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Tôi muốn mình cứ viết, viết nữa, viết mãi. Vì tôi thật sự đã nhận được những lợi ích rõ rệt sau khi viết nhiều hơn, đó là:
Viết giúp tôi sắp xếp được luồng suy nghĩ tốt hơn.
Thật vậy, khi đầu óc suy nghĩ không được thấu suốt thì viết là cách tốt nhất để tôi bình tĩnh lại và sắp xếp được suy nghĩ của mình tốt hơn. Lời nói gió bay như chữ viết thì không. Khi viết ra, tôi như đang được nhìn thấy tận mắt suy nghĩ của mình, từ đó tôi dễ dàng chỉnh sửa, thay đổi và sắp xếp lại chúng cho hoàn thiện hơn.
Viết giúp tôi có cảm giác được sẻ chia.
Tôi không chắc có người đọc blog của tôi, nhưng việc tôi đăng lên môi trường internet công cộng cho tôi cảm giác là tôi đã chia sẻ. Và một ngày nào đó, một ai đó sẽ đọc được những gì tôi viết ra, có thể là những người xa lạ, cũng có thể là những người thân bỗng dưng nhớ đến tôi và tò mò muốn biết dạo này tôi viết gì.
Viết giúp tôi hiểu bản thân mình hơn.
Việc duy trì một trang blog cá nhân giúp tôi có thể viết mọi thứ mà tôi muốn. Tôi từng có nhiều kế hoạch lập các trang blog với những chủ đề khác nhau, nhưng tất cả những dự án đó đều chết yểu. Tôi luôn có cảm giác mình phải là một ai đó khi duy trì những trang blog không chính danh. Khi lập blog này, tôi cũng đã nghĩ xem mình nên lấy tên miền là gì và nên viết về những chủ đề gì. Cuối cùng, tôi tự nhắc bản thân mình là, không cần phải tập trung vào một chủ đề mà mình nghĩ “mọi người sẽ đọc”. Hãy cứ viết về những chủ đề mà mình cảm thấy thoải mái. Không cần phải chọn một cái tên quá cao siêu. Cứ chọn tên của mình cho đơn giản. Quan trọng nhất là phải có blog và phải đăng lên. Cuối cùng tôi đã chốt với một cái tên miền nhạt nhẽo là trang-ngo.com.
Việc này khá giống với việc chọn một cái nickname/email cho bản thân. Hồi còn teen, hầu hết tất cả chúng ta đều lựa chọn một cái tên không liên quan đến tên thật của mình. Nhưng tới một lúc nào đó (khi đã trưởng thành, hoặc khi phải đóng vai người trưởng thành), người ta sẽ quay trở lại chọn tên của mình. Bởi rốt cuộc tên có lẽ là thứ bất biến nhất trong cuộc đời vạn biến.
Tôi cũng hy vọng chiếc blog này sẽ mãi ở đây và nhắc nhở tôi về con người mà mình đã từng là.
Viết giúp tôi nhìn lại quá khứ.
Đọc lại những gì mình đã viết trước đây cho tôi khá nhiều cảm xúc. Đôi lúc tôi sẽ cảm thấy khá thư giãn vì được nhìn lại con người mình. Đôi lúc tôi thấy xấu hổ vì đã có những suy nghĩ ngớ ngẩn hay đã viết ra những thứ chất lượng kém. Có những lúc tôi lại thấy ngạc nhiên vì mình đã từng có những phút xuất chúng không ngờ. Nói chung, tôi nhận ra viết là một cách tốt để tôi lưu lại hiện tại khi chúng trở thành quá khứ. Và viết chính là một trong những cách tốt để lưu lại những trải nghiệm của bản thân.
Viết nhiều giúp tôi xác định được phong cách của mình.
Trước đây tôi thường cảm thấy khá buồn khi mình không thể viết được những trang viết sướt mướt. Không thể sáng tác được truyện ngắn, không thể có những áng văn chương đầy chất thơ, không thể khơi gợi cảm xúc và trí tưởng tượng của người đọc qua những trang giấy.
Sau này, tôi hiểu ra viết lách không chỉ dừng lại ở việc sáng tác truyện hay thơ. Viết luận, viết nghiên cứu, viết sách tham khảo hay bất cứ hình thức nào sử dụng đến câu chữ cũng là những hình thức viết hữu ích.
Khi hiểu được điều đó, tôi đã dần tìm ra phong cách viết phù hợp với bản thân. Tôi vốn là người khô khan và thực dụng nên rất hợp với nhưng thể loại viết cho phép tôi được sắp xếp ý tưởng gọn gàng và logic, nơi tôi có thể sử dụng đề mục và gạch đầu dòng để trình bày các luận điểm của mình. Nếu đọc blog của tôi, bạn sẽ thấy khá rõ điều này.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi sẽ mãi mãi viết ra những bài viết như vậy, bởi tôi vẫn đang liên tục viết, viết nữa, viết tiếp để tìm ra phong cách thật sự của mình. Rất có thể cuối cùng tôi sẽ nhận ra mình chả có phong cách nào cả, rất có thể tất cả các phong cách của tôi đều là đi sao chép ở đây một tí, ở kia một tí, nhưng cũng rất có thể cuối cùng tôi sẽ trở thành một tiểu thuyết gia đặc sắc. Tóm lại là cứ phải viết nhiều hơn cái đã.
4. Tôi đã làm gì để viết nhiều hơn?
Không phải cứ muốn viết nhiều là sẽ viết nhiều hơn. Thực tế, tôi đã lập blog trên WordPress được cả chục năm rồi nhưng chưa bao giờ viết đều đặn. Có những năm chỉ viết được 1-2 bài.
Viết lách cần nhiều kiên trì và cam kết hơn bạn tưởng rất nhiều. Không phải ai biết chữ là có thể viết, và không phải ai có thể viết là có thể viết với năng suất cao.
Để giúp bản thân duy trì việc viết blog, tôi có áp dụng một vài biện pháp nhỏ như này:
Viết về những thứ tôi thật sự quan tâm
Khi lựa chọn chủ đề để viết, tôi sẽ tập trung vào những thứ tôi thật sự biết, có tìm hiểu sâu sắc, và có kinh nghiệm liên quan. Việc lựa chọn những chủ đề kiểu này sẽ giúp:
- Tôi có nhiều ý tưởng hơn
- Việc viết diễn ra dễ dàng hơn vì những thứ tôi muốn viết ít nhiều đã ở sẵn trong đầu rồi
- Việc viết và nó thôi thúc tôi đào sâu suy nghĩ và tìm hiểm kỹ hơn về vấn đề được nói đến. Càng tìm hiểu, càng biết nhiều, tôi lại càng có động lực để hoàn thành trọn vẹn bài viết.
Mua tên miền và trả tiền cho host
Đây là bước cam kết khá quan trọng của bản thân tôi với việc viết blog. Bạn sẽ khó học được bất cứ bài học nào nếu bài học đó miễn phí, nên tôi quyết định trả chút tiền mua domain và host để tự dạy cho mình một bài học về việc nuôi một chiếc blog thì tốn tiền như nào.
Xây một trang blog đẹp và chuyên nghiệp
Giống như một căn nhà đẹp sẽ giúp bạn về nhà nhiều hơn, một chiếc blog đẹp sẽ thôi thúc bạn giữ gìn và nuôi dưỡng nó tốt hơn.
Từ ngày có tên miền và host, tôi đã mày mò và phân biệt được wordpress.com và wordpress.org khác nhau như nào. Tôi biết cách trỏ tên miền về host, biết cài theme, cài plug-in và tuỳ chỉnh để có một chiếc blog với giao diện đẹp và chỉn chu, cùng khá nhiều thứ khác nữa.
Hiện tại tôi tạm hài lòng với những gì tôi đang có trên chiếc blog này.
Đặt mục tiêu viết đều đặn
Đã có lúc nhiều tháng liền, tôi không viết một bài nào trên blog. Lý do thì có cả đống nhưng thường xuyên nhất vẫn là “không có đủ thời gian”. Để khắc phục tình trạng này, tôi đã tự lên kế hoạch cho bản thân là mỗi tuần phải có ít nhất một bài viết. Có thể về bất cứ chủ đề nào mà tôi hứng thú. Tôi cũng có lập một file Google Sheet để lưu lại ý tưởng và lịch đăng cho từng bài.
Lên ý tưởng liên tục và viết bản nháp ngay khi có thể
Bất cứ khi nào có ý tưởng về một chủ đề hay, tôi sẽ ghi lại ngay lập tức, có thể vào sổ tay, vào phần ghi chú trên điện thoại, hoặc vào một mẩu giấy mà tôi có trong tay. Sau đó tôi sẽ điền lại các ý tưởng này và file Google Sheet mà tôi nói bên trên.
Ý tưởng sau khi có thì ngoài việc ghi lại ngay, tôi sẽ bắt đầu nghĩ về việc phát triển nó như thế nào.
Tôi sẽ viết dàn ý, viết nháp sử dụng phần ghi chú trên điện thoại, và viết thật nhanh thật nhiều để lưu lại tất cả những thứ mình có trong đầu. Và tôi làm việc này bất cứ lúc nào có thể: lúc đợi chờ bạn bè, trong khi đi toilet, lúc ngồi quán cafe một mình, hay tự dưng tỉnh dậy lúc nửa đêm và không ngủ lại được nữa…
Sau khi có bản nháp trên điện thoại thì tôi sẽ chuyển nó lên phần soạn thảo bài viết của WordPress và chỉnh sửa lại. Tiếng Anh có câu “Write drunk, Edit sober” (viết lúc say, sửa lúc tỉnh). Tôi thấy câu này siêu đúng, lúc viết thì cứ viết đi, đừng nghĩ quá nhiều, quan trọng là viết ra càng nhiều càng tốt, đừng để lại bất cứ thứ gì trong đầu. Lúc sửa thì phải tỉnh táo, bởi đa phần những thứ bạn viết trước đó là thứ vứt đi, và bạn phải đủ tỉnh để sửa không thương tiếc.
Để tìm hiểu kỹ hơn về quá trình viết một bài blog của tôi, các bạn có thể đọc bài: “Quá trình viết một bài blog của tôi diễn ra như thế nào?“
Tìm hiểu thêm về những kiến thức liên quan đến việc phát triển blog
Hiện tại tôi đang tìm hiểu thêm về các vấn đề xoay quanh tối ưu từ khoá và tiếp thị liên kết. Có rất nhiều công cụ và kiến thức hay ho liên quan đến việc này như Google Analytics, Google Search Console, Google Keyword Planner và tôi thực sự muốn áp dụng nhưng thứ này để giúp công việc viết online của mình hiệu quả hơn, từ đó thêm động lực duy trì trang blog.
5. Kết luận cho một bài lảm nhảm thật dài
Tuy bài viết này hoàn toàn là suy nghĩ cá nhân của tôi để đi tìm câu trả lời “Vì sao nên viết?”, tôi tin rằng mỗi chúng ta đều nên viết nhiều hơn. Có thể lý do bạn viết sẽ không giống tôi, có thể bạn sẽ không dùng WordPress mà sẽ lựa chọn Facebook hay Instagram làm nền tảng xuất bản cá nhân; nhưng tôi tin rằng viết sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích.
Thế giới có thể không tốt đẹp hơn khi chúng ta viết nhiều hơn, nhưng bạn chắc chắn sẽ hiểu bản thân mình hơn, và chúng ta sẽ hiểu nhau hơn.
Tôi thì lại cực kỳ thích thú với việc hiểu một người lạ thông qua trang blog của họ.
December 22, 2021 at 10:15 pm
Hế lu , tôi vô tình tìm ra blog của bạn và cũng bắt đầu viết blog rồi đấy . Có thể bạn không tin nhưng tôi mua tên miền và hosting xong để phí tận một năm chả làm gì cơ ha ha . Xong tôi thấy themes của bạn đẹp và định copy nhưng nghĩ sao lại vào trang chủ của ông tác giả và bớ được một cái khác Minimanlist luôn rồi .
December 26, 2021 at 8:44 pm
Bạn viết blog ở đâu thế để tôi vào ủng hộ :)) tôi thích ông làm theme lắm, tôi thấy ông ý quả là một người tuyệt vời vì đã làm ra nhiều theme đẹp và miễn phí!!
December 28, 2021 at 11:25 am
Hi hi . Tôi mới lập xong mà bận quá còn chưa viết được gì á . Vậy thôi tôi xin mạn phép cứ để cái địa chỉ lại nhá hihi.
https://blog.dantajp.com/
February 9, 2022 at 8:45 pm
Cảm ơn Trang vì bài viết, mình cũng vô tình tìm kiếm và thấy bài này
March 10, 2022 at 4:32 pm
Cám ơn Sẻ đã comment. Lâu không vào blog thấy có người vẫn đọc bài viết của mình vui quá ^^
June 22, 2024 at 4:21 pm
mua tên miền ở đâu thế ạ
June 23, 2024 at 10:10 pm
Mình mua tên miền “.com” ở NameCheap, mình thấy dễ dàng thuận tiện lắm. Tên miền ko có gì đặc biệt thì khoảng 10 đô/năm.
“.vn” thì bạn có thể mua ở AZdigi, khoảng 700k/năm