Vừa qua, một chú mèo nhà tôi – tên là Mèo Rừng – bị táo bón và phải mang đi chữa trị ở bệnh viện. Chúng tôi đã rất lo lắng, nhưng rất may, sau 2 lần khám bao gồm siêu âm, chụp x-quang và quá trình chăm sóc tại nhà bao gồm uống thuốc và thụt đít, cuối cùng Mèo Rừng đã đi ị được. Phải mất nhiều ngày rặn liên tục nó mới ị được hết. Những ngày đầu, Mèo Rừng hầu hết chỉ đi ra phân ướt, và vì Mèo Rừng quá béo nên không thể tự liếm đít cho mình, khiến phân của nó dính ở khắp những nơi nó lê đít qua. Tới hai lần rặn cuối cùng, Mèo Rừng đã ị được một bãi rất to, chúng tôi nghĩ chắc phải gần 1 cân cứt =)))

Trong bài viết này, tôi muốn kể lại những trải nghiệm và kinh nghiệm mà mình có được trong quá trình chữa táo bón cho Mèo Rừng, hy vọng sẽ giúp ích cho những bạn gặp trường hợp tương tự.

Các bạn lưu ý rằng đây chỉ là trải nghiệm cá nhân của tôi với chú mèo nhà tôi, nên nó khó có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Để có cách xử lý tốt nhất, các bạn cần phải mang mèo ra phòng thú y đang tin cậy để được các bác sĩ tư vấn phương thức chữa trị nhé.

Triệu chứng mèo bị táo bón là gì?

Mèo Rừng đã liên tục đi ị rất khó khăn từ nhiều tháng trước đó. Biểu hiện là nó thường đứng rặn rất lâu, phân ra thường to và cứng. Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ do Mèo Rừng quá béo và tham ăn nên phân của nó cũng to hơn những chú mèo còn lại. (Ngoài Mèo Rừng nặng hơn 8kg thì chúng tôi còn 2 chú mèo khác là Mèo LoéMèo Nở, mỗi đứa chỉ nặng khoảng 5kg).

Càng về sau, Mèo Rừng càng đi ị khó khăn hơn, có những lần nó đứng rặn rất lâu nhưng không ra phân, và ngay sau khi nó nhảy khỏi chậu cát thì lại nôn một bãi rất to.

Những ngày nặng nhất là lúc Mèo Rừng đi toilet liên tục nhưng không rặn ra được gì, trông nó rất mệt mỏi. Và sau mỗi lần rặn như vậy nó đều nôn. Ngày chúng tôi đưa Mèo Rừng đi bệnh viện là hôm nó đi toilet cả chục lần mà không được gì, và cũng nôn cả chục lần.

Làm thế nào để chữa trị táo bón cho mèo?

Khi mang tới bác sĩ lần đầu thì việc đầu tiên bác sĩ làm là nói: “Trời ơi, chú mèo này to béo quá!” =))

Sau đó bác sĩ sờ bụng nó và kêu bụng toàn mỡ, không sờ được cứt =)). Rồi bác sĩ lấy ống thụt đít thụt cho Mèo Rừng 2 phát, nhưng Mèo Rừng không có biểu hiện đi toilet. Sau đó bác sĩ tiêm cho Mèo Rừng 1 mũi chống nôn và 1 mũi nhuận tràng, và nói về theo dõi thêm. Đơn thuốc của bác sĩ hôm đó bao gồm:

  • Thuốc Duphalac có tác dụng làm mềm phân. Thuốc dành cho người nhưng mèo có thể dùng được với liều dùng là 1 gói một ngày, chia làm 2 lần. Giá 5.000 đồng/gói
  • Thuốc Elac là men tiêu hoá. Đây là thuốc thú y nên phải mua ở phòng khám. Giá 10.000 đồng/gói
  • Ống thụt đít để thụt ở nhà, loại dùng cho người lớn và có thể mua ở hiệu thuốc. Giá là 6.000 đồng/ống.

Chúng tôi mang về nhà và cho con uống Duphalac và Elac trong một ngày sau đó nhưng cũng không thấy kết quả gì. Ngày tiếp theo chúng tôi vẫn cho uống và làm thêm thao tác thụt đít. Lúc thụt đít Mèo Rừng kêu la rất to, và tôi chọc mãi mà que thụt không vào được. Sau lúc đó, tôi rất sợ Mèo Rừng bị rách lỗ đít do tôi chọc lung tung. Nhưng may quá không sao. Sáng hôm sau, con có ị được 2 cục phân nhỏ và rất nhiều cứt nhão rơi khắp nhà.

Trong hai ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục cho uống thuốc nhưng không thụt đít thêm lần nào. Mèo Rừng vẫn đi toilet nhưng lại không rặn ra được gì và tiếp tục nôn. Chúng tôi khá lo lắng nên đã đưa đi bác sĩ lần hai.

Ở lần hai này, chúng tôi cho Mèo Rừng đi chụp x-quang để xem có dị vật gì không, và xem phân của con ở trong bụng nhiều đến mức nào. Kết quả cho thấy con không có dị vật gì nhưng đúng là có những cục phân rất to làm tắc ruột và khiến con không đi ị được. Giá một lần chụp x-quang là 200.000 đồng.

Bác sĩ có chia sẻ với tôi là, đối với những chú mèo gầy hơn thì bác sĩ có thể sờ bụng và nặn cứt ra bằng tay, nhưng vì Mèo Rừng quá béo nên việc này không khả thi. Nếu sau chữa trị mà vẫn bị mắc cứt trong ruột thì sẽ phải mổ để lấy ra, nhưng với một chú mèo béo thế này thì việc mổ cũng rất nguy hiểm do mỡ có nối với nhiều mạch máu. Chưa kể, việc hậu phẫu cũng rất mệt mỏi với những chú mèo quá cân. Chính vì thế, bác sĩ nói chúng tôi về cố gắng tiếp tục uống thuốc, thụt đít để đẩy ‘cục phân to’ ra, phẫu thuật chỉ là phương án cuối cùng.

Sau lần khám thứ hai, chúng tôi về nhà cho Mèo Rừng uống thuốc. Tối hôm đó, chúng tôi thụt đít cho mèo Rừng thêm một lần. Lần này tôi đã bôi một ít dầu ô liu vào đầu ống thụt và đít của con nên cắm đầu ống vào dễ hơn, tuy nhiên con vẫn giãy nhiều. Tối hôm đó, con đi toilet liên tục nhưng chỉ ra những ‘giọt cứt’ và lại rây ra khắp nhà. Con cũng không ăn uống gì cả.

Sáng hôm sau, Mèo Rừng vẫn bỏ ăn. Chúng tôi quyết định thụt thêm cho con thêm một lần nữa. Lần này quen tay hơn nên tôi làm rất nhanh, Mèo Rừng không phản ứng gì nhiều.

Và thật may mắn là sau đó, Mèo Rừng đã ị được 1 cân cứt, vâng 1 kg ý (sau 2 lần rặn, 1 lần với số lượng phân siêu to khổng lồ và 1 lần với 1 cục còn sót lại =))).

Thật sự chúng tôi đã rất vui mừng. Tôi còn băn khoăn không biết đây đã là toàn bộ số cứt trong bụng con chưa. Tới hôm nay, Mèo Rừng đã sinh hoạt bình thường trở lại nên chắc là hết cứt trong bụng rồi. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho con ăn uống bình thường và theo dõi trong những ngày tới, nếu con có thể đi ị bình thường thì tức là con đã khỏi.

Vì sao mèo bị táo bón?

Trong suốt quá trình điều trị táo bón cho Mèo Rừng, chúng tôi đã đọc rất nhiều bài viết liên quan đến việc mèo bị táo bón nên cũng có chút kiến thức về vấn đề này. Khi nhìn lại quá trình nuôi Mèo Rừng, chúng tôi thấy rằng những lý do sau có thể là nguyên nhân khiến con bị táo bón.

  • Ăn hạt khô: Một phần vì cuộc sống bận rộn và một phần vì lười nên chúng tôi lựa chọn cho lũ mèo ăn hạt khô toàn thời gian. Có lẽ đây là lý do lớn nhất khiến Mèo Rừng bị táo bón, và Mèo Loé bị bí tiểu. (Tôi sẽ chia sẻ việc Mèo Loé bị bí tiểu trong một bài viết khác). Thức ăn khô khiến phân của các chú mèo khá cứng, và nếu không uống đủ nước thì các chú mèo rất dễ mắc các bệnh về bài tiết.
  • Mèo quá béo: Theo như tôi tìm hiểu thì các chú mèo béo thường có nguy cơ bị táo bón cao hơn, có lẽ do chúng ăn nhiều hơn nên ruột chúng nó càng ngày càng to, dẫn đến việc phân cũng to nên khó bài tiết ra ngoài. Rừng nặng tới hơn 8kg nên có thể nói là một chú mèo rất béo.
  • Mèo lười vận động: Các chú mèo lười vận động cũng có khả năng bị táo bón cao hơn. Rừng thì siêu lười. Nếu như Nở và Loé rất tích cực đi lại, nghịch ngợm, thì Mèo Rừng hầu như chỉ ăn và nằm ngủ. Chính vì thế nó đã bị táo bón T.T

Bài học rút ra để phòng tránh táo bón ở mèo là gì?

Bài học lớn nhất có lẽ là không nên cho mèo ăn hạt. Ngày Mèo Nở (là chú mèo tôi nuôi đầu tiên) còn bé, chúng tôi cho ăn hạt Whiskas và thấy con khó đi tiểu. Lúc đó tìm hiểu thì thấy rằng Whiskas không phải là thức ăn tốt cho hệ bài tiết của mèo, có thể khiến mèo bị thận. Sau đó chúng tôi chuyển sang hạt Royal Canin do đọc review thì thức ăn này khá tốt. Từ đó, lũ mèo ở nhà tôi chỉ ăn Royal Canin, chắc cũng đã được hơn 6 năm. Tôi cũng nghĩ Royal Canin đủ tốt để không khiến mèo bị thận hay các vấn đề bài tiết khác, tuy nhiên sau 6 năm thì Royal Canin cũng đã để lại một vài hậu quả. Chính vì thế, chúng tôi đã quyết định bỏ hẳn thức ăn hạt.

Sau khi bỏ thức ăn hạt, chúng tôi đã nấu thử cho chúng nó ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, và cuối cùng đã đi tới một công thức bao gồm thịt gà, bí đỏ và cá nục.

Về việc cho chúng ăn, trước đây chúng tôi cho ăn 2 lần/này và cứ để một đĩa thức ăn để lúc nào chúng nó đói sẽ tự ăn. Tuy nhiên, từ giờ trở đi chúng tôi sẽ thực hành việc mang đồ ăn ra, để chúng ăn hết rồi cất đi luôn.

Bên cạnh đồ ăn và thói quen ăn, chúng tôi cũng sẽ chơi với Mèo Rừng nhiều hơn để giúp con giảm cân. Béo phì thật là có hại!

Phòng khám thú ý nào tốt?

Ở trên chắc các bạn cũng đọc được là chúng tôi có đưa Mèo Rừng đi bệnh viện nên hẳn có băn khoăn là chúng tôi đi chỗ nào. Ở Hà Nội, chúng tôi đã thử một phòng khám ở Hoàng Cầu, một phòng khám ở Nguyên Hồng nhưng đều không hài lòng với hai chỗ này. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy rất may mắn vì đã tìm ra được một phòng khám mà chúng tôi tin tưởng. Qua trải nghiệm của chính mình thì chúng tôi thấy các bác sĩ ở đây có chuyên môn rất chắc và làm việc cực kỳ trách nghiệm. Đó là phòng khám có tên Bệnh viện thú y Hà Nội, với 2 cơ sở.

  • Cơ sở 1 (Cơ sở chính, có nhiều bác sĩ và thiết bị hơn): 74 Trường Chinh
  • Cơ sở 2 (Chi nhánh, nhỏ hơn): Số 44 ngõ 102 Trần Phú, Hà Đông (ngay sau Big C Hà Đông)

Do từng có thời gian ở Tp. Hồ Chí Minh nên nếu bạn đang ở đây thì chúng tôi cũng muốn giới thiệu với bạn Chi cục thú y Quận 3, địa chỉ ở 226A Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, Hồ Chí Minh. Tại phòng khám thú y Quận 3 này, chúng tôi đã từng thiến 2 chú mèo và chữa bệnh cảm cho một chú mèo nên cũng rất tin tưởng các bác sĩ ở đây.