Beef (tên tiếng Việt: Bất hoà) là một series của Netflix dài 10 tập, mỗi tập khoảng 35 phút, xoay quanh mối quan hệ của Danny và Amy – hai con người ở hai thế giới hoàn toàn khác biệt, nhưng tình cờ đã va chạm nhau, theo nghĩa đen, bởi cuộc gặp gỡ đầu tiên của cặp đôi này là khi họ suýt đâm vào nhau ở bãi xe của siêu thị, và sau đó họ đã một cuộc rượt đuổi bằng ô tô thót tim và gây hoang mang cả khu phố. Cuộc gặp định mệnh này kéo theo một loạt hành động trả đũa khác mà đôi bên đã dành cho nhau trong suốt 10 tập của series.
- Kịch bản: Lee Sung Jin
- Đạo diễn: Lee Sung Jin
- Diễn viên: Steven Yeun, Ali Wong, Joseph Lee, Young Mazino
- Đánh giá: 4.5/5
1. Beef (Bất hoà) là một bộ phim đầy giận dữ, nhưng lãng mạn.
Beef (Bất hoà) vừa hài hước, vừa gay cấn, vừa kinh dị, vừa lãng mạn – một sự kết hợp khiến bộ phim có phần hơi kỳ lạ, nhưng lại cuốn hút từ những phút đầu tiên.
Bản thân mình khi được gợi ý phim này trên Netflix thì đã nghĩ Beef hẳn lại là một bộ phim yêu đương vớ vẩn khác nên không hề có ý định xem. Rồi trong một tối nằm lướt mạng linh tinh và tình cờ đọc được một câu review bộ phim này, đại loại là: Beef mang trong mình toàn bộ sự tức giận của xã hội chúng ta ngày nay, đồng thời do dạo này có nhiều sự bực dọc trong người nên nghe thấy phim được giới thiệu như vậy là mình phải vào xem ngay. Và quả đúng như vậy.
Beef có quá nhiều sự giận dữ.
Danny (diễn xuất bởi Steven Yeun – người đóng nhân vật bố trong phim Minari) là một người Mỹ gốc Hàn, anh luôn mang trong mình áp lực của một người con trai cả: phải chăm lo cho bố mẹ và phải làm gương cho người em trai. Danny cũng có mặc cảm khi hẹn hò với các cô gái da trắng và chỉ cảm thấy có thể kết nối được với những cô gái cùng nguồn gốc Châu Á như mình. Cuộc sống chán nản, không lối thoát, Danny đã tự tử nhưng bất thành. Anh cảm thấy mọi điều xui xẻo cứ đổ vào cuộc đời mình và thật sự anh chẳng còn gì để mất.
Amy (diễn xuất bởi Ali Wong – một sao hài độc thoại ở Hoa Kỳ) là một phụ nữ thành đạt với doanh nghiệp kinh doanh cây cảnh riêng. Cô có chồng và một người con gái nhỏ. Nhìn bề ngoài, chắc chắn ai cũng nghĩ Amy có một cuộc sống hoàn hảo. Tuy nhiên, Amy cũng có những vấn đề riêng của mình: không có đủ thời gian dành cho gia đình, không kết nối được với chồng và mẹ chồng, mối quan hệ với bố mẹ đẻ không thân thiết, không có bạn bè chân thật. Cuộc sống của cô đều đặn và vô vị đến mức cô phải thẩm du với một khẩu súng.
Hai con người này đều có nhiều bức xúc, bế tắc, nhưng chẳng thể sẻ chia, họ như hai quả bom nổ chậm và có thể sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Và cuộc va chạm giữa họ chính là ngòi nổ cho sự giận dữ trong con người họ. Có bao nhiêu sự giận dữ trong cuộc sống có lẽ họ đã trút hết lên người nhau. Và những lần trả thù cứ thế leo thang, chúng như những can dầu khiến ngọn lửa thù hận trong họ lại bùng cháy. Điều thú vị là ngọn lửa này lại khiến cuộc sống của Danny và Amy nhiều màu sắc hơn, giống như ngọn đèn le lói ở cuối đường hầm cuộc đời họ, giúp cuộc sống của họ thoát ra khỏi lối mòn cũ, và dường như từ trong sâu thẳm con người mình, cả hai đều mong chờ một sự trả thù mới từ đối phương.
Cứ thế mười tập phim nối tiếp nhau với những tình tiết vừa hài hước, vừa gay cấn, vừa kinh dị, nhưng vẫn chưa thấy phần lãng mạn đâu.
Khi xem đến nửa cuối của phim, mình đã nghĩ: “Ơ đây là phim lãng mạn cơ mà? Bao giờ thì hai đứa này yêu nhau đây? Sao chưa thấy gì???”
Và phải mãi đến tập cuối điều này mới xảy ra, khi Danny và Amy tình cờ bị kẹt lại dưới một vách núi và có cơ hội để nhìn thấu con người nhau. Phải đến khi họ nghĩ rằng mình đứng giữa bờ vực của sự sống và cái chết, họ mới dám mở lòng và tìm được sự đồng cảm từ đối phương.
Beef thật sự không chỉ là một bộ phim hấp dẫn để giải trí mà còn là một bộ phim đẹp và sâu sắc để thưởng thức và suy ngẫm.
2. Nhạc phim hay và tựa đề cho từng tập phim lạ.
Mỗi tập phim Beef (Bất hoà) được mở đầu bằng một tựa đề đầy gợi mở kèm một tác phẩm nghệ thuật, và kết thúc bằng một bản nhạc. Chính sự nhất quán này đã khiến 10 tập phim của Beef có một nhịp điệu mở-kết khá độc đáo và trọn vẹn. Nếu tựa phim và hình ảnh ở phần đầu khiến người đọc tò mò về diễn tiến của bộ phim, thì bài hát cuối chính là câu trả lời cho toàn bộ sự tò mò đó.
Bản thân mình thấy nhạc phim đóng góp rất nhiều để tạo nên không khí của Beef cũng như khiến người xem vương vấn sau mỗi tập phim. Mockingbirds của Grant Lee Buffalo ở cuối tập 8 và Mayonaise của Smashing Pumpkins ở cuối tập 10 là hai bản nhạc khiến mình không nỡ nhấn “xem tiếp” mà ngồi nghe cho hết bài, rồi sau đó đi tìm xem đây là nhạc gì, của ai.
Mình khá để ý đến nhạc khi xem phim, và rất nhiều bài hát yêu thích nhất của mình đều đến từ những bộ phim mà mình từng xem, ví dụ như What A Life từ phim Another Round hay Omoide từ phim Midnight Diner.
Về cách đặt tựa đề và chọn hình ảnh mở đầu của Beef thì mình không có bình luận gì nhiều. Mọi người có thể xem thêm ở hai bài viết khá đầy đủ sau:
- What’s the meaning behind the Beef episode titles?
- Right, this is what each art work at the start of every Beef episode actually symbolises
Bên dưới, mình lưu lại tên và hình ảnh của mỗi tập. Có một điểm thú vị là các tác phẩm ở bên dưới đều được tạo ra bởi một diễn viên (cũng đồng thời là một nghệ sĩ) của phim, đó là David Choe – người thủ vai nhân vật Isaac, anh họ của Danny.
Episode 1: The Birds Don’t Sing, They Screech in Pain
Episode 2: The Rapture of Being Alive
Episode 3: I Am Inhabited by a Cry
Episode 4: Just Not All at the Same Time
Episode 5: Such Inward Secret Creatures
Episode 6: We Draw a Magic Circle
Episode 7: I Am a Cage
Episode 8: The Drama of Original Choice
Episode 9: The Great Fabricator
Episode 10: Figures of Light
3. Những ghi chú khác về Beef (Bất hoà)
Bên cạnh kịch bản hấp dẫn, Beef cuốn hút người xem có lẽ còn bởi sự diễn xuất nhập tâm của dàn diễn viên (đa phần gốc Á). Và cuốn hút mình bởi các diễn viên nam điển trai nhìn mãi không chán, đặc biệt là Steven Yeun trong vai Danny. Cậu em trai Paul (được thủ vai bởi Young Mazino) cũng có nét xinh xắn nhưng không thể ngon lành như người anh. George (do Joseph Lee đóng), chồng của Amy, tuy không phải gu của mình nhưng cũng là một nhân vật ưa nhìn và khiến bộ phim thêm phần bắt mắt.
Có một điều mình nhận ra qua Beef, và có lẽ là qua trải nghiệm của chính bản thân, đó là trong xã hội hiện nay, liệu con người có thể thật sự mở lòng và kết nối mà không cần đến chất kích thích không. Amy và Paul có sử dụng cần sa để thả lỏng bản thân và có những giây phút “vui vẻ” bên nhau. Ngay cả Amy và Danny, nếu không phải vì bị ngộ độc thức ăn khiến cho đầu óc không còn tỉnh táo (mà theo mình việc ngộ độc này cũng chỉ là một cớ để đưa hai người vào trạng thái ảo giác, giống như khi sử dụng chất kích thích), thì liệu họ có thể thoải mái trò chuyện, rồi dẫn tới đồng cảm với những bí mật xấu xí mà họ đã cất giấu bấy lâu? Câu trả lời có lẽ là… không. Miếng trầu không còn là đầu câu chuyện nữa, ngày nay là rượu, bia, thuốc lá vân vân và vân vân.
Beef được sản xuất bởi A24, một công ty giải trí đang lên với nhiều bộ phim đặc sắc như Everything Everywhere All At Once – phim vừa đạt Oscar 2023, hay Lady Bird, một bộ phim do Saoirse Ronan thủ vai nữ chính mà mình khá thích. Trước Beef, mình không để ý đến A24 lắm nhưng sau Beef, mình đang định tìm xem thêm vài phim của nhà sản xuất này, hy vọng sẽ có những trải nghiệm tốt và những bài review tiếp theo về các bộ phim của A24 sẽ ra đời.
Leave a Reply